"Xanh hóa" ngành dệt may để xuất khẩu hàng hóa bền vững
Việc "xanh hóa" ngành dệt may đã không còn là việc muốn hay không mà đến nay đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Việc dần thích ứng của doanh nghiệp Việt sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa bền vững.
Trong bối cảnh doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức, những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường, sản xuất xanh được xem là một trong những giải pháp dài hạn, bền vững. Như với các doanh nghiệp trong ngành dệt may, đẩy nhanh tốc độ "xanh hóa" đang trở thành mục tiêu của ngành để tìm kiếm đơn hàng, tăng tính cạnh tranh.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng dệt may đạt 5,2 tỷ USD xuất khẩu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch cao nhất cả nước.
Các chuyên gia nhận định, kết quả này có được là nhờ tình hình thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới dần ấm lại từ cuối năm 2023. Cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước cũng tích cực "xoay xở" tìm kiếm đơn hàng; đồng thời, ngành này cũng đang từng bước thích ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu đó là xanh hóa trong sản xuất.
Hiện nay, đã có rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới trong ngành dệt may công bố lộ trình sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tái chế, tự nhiên và tuần hoàn trong quá trình phát triển từ nay đến năm 2050.
Các nhà mua hàng, nhất là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt.
Những yêu cầu này nhấn mạnh các vấn đề như hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo tồn các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch và nước.
Quá trình xanh hóa sản xuất, giảm phát thải carbon đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn. Mặc dù sự thay đổi chưa nhiều nhưng chuyển biến thấy rất rõ. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận với các thị trường khó tính.
Cụ thể như Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã đầu tư cho nghiên cứu và phát triển kinh doanh, tạo ra những sản phẩm mới có tính năng đặc thù, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Hay như nhà máy Dệt Bảo Minh được đầu tư nhiều thiết bị công nghệ cao, triển khai Giải pháp tích hợp các hệ thống điều hành mang lại hiệu quả và sự chính xác, đồng bộ cho hoạt động sản xuất.
May 10 đã triển khai việc “xanh hóa” sản xuất trong khoảng 3 năm qua, bằng những việc làm cụ thể như sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ tái chế, từ thiên nhiên để đảm bảo tỷ trọng xuất xứ nguyên liệu từ sợi trong cấu thành của sản phẩm, nhiên liệu đầu vào đốt bằng than cũng đang được chuyển đổi sang nhiên liệu bằng điện sinh khối để đảm bảo khí thải carbon được ít nhất...
Tuy nhiên, đang có một thực tế là việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh trong ngành dệt may đòi hỏi chi phí chuyển đổi rất lớn, thời gian chuyển đổi rất dài. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, việc chuyển đổi hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm kê khí nhà kính đòi hỏi cần nhanh hơn, tốn ít chi phí hơn.
Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc tạo hành lang chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư hướng đến "sản xuất xanh"; trong đó, chủ yếu là những chính sách về tín dụng với lãi suất và hạn mức ưu đãi hơn cho doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm xanh.
Đây cũng chính là bước đi cụ thể của Việt Nam để đạt được cam kết “zero carbon” vào năm 2050.
Minh An (t/h)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.