'Xanh hóa' ngành hóa chất tăng lợi thế thu hút đầu tư

Kinh doanh
03:09 PM 06/11/2024

Xanh hóa sản xuất hóa chất là con đường tất yếu để ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tăng lợi thế trong thu hút đầu tư.

Sản xuất hóa chất là những ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phát thải cao, sử dụng nhiều năng lượng. Do đó, việc xanh hóa ngành hóa chất là yêu cầu cấp bách, trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường.

'Xanh hóa' ngành hóa chất tăng lợi thế thu hút đầu tư- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: VGP

Tại tọa đàm “Xanh hóa sản xuất hóa chất và phân bón: Cơ hội cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp”, ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã chỉ ra ba lợi ích chính của việc loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm trong ngành hóa chất. Lợi ích lớn nhất là tạo ra một môi trường sống và làm việc trong lành, an toàn cho người lao động. Khi môi trường lao động được cải thiện, người lao động sẽ gắn bó và làm việc hiệu quả hơn, từ đó nâng cao năng suất của doanh nghiệp.

Lợi ích tiếp theo là về mặt kinh tế. Khi doanh nghiệp quản lý tốt công tác bảo vệ môi trường và giảm thiểu chất thải, chi phí xử lý chất thải cũng giảm đi đáng kể, góp phần giảm định mức tiêu hao và tiết kiệm chi phí.

Cuối cùng, việc thực hiện sản xuất xanh giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp, đặc biệt là khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những doanh nghiệp hóa chất thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường có thể tiếp cận các thị trường khó tính như EU và châu Âu, đồng thời đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà Việt Nam cam kết vào năm 2050.

Bà Nguyễn Thanh Phương, Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết hiện nay, xanh hóa ngành hóa chất nói riêng và ngành công nghiệp nói chung có nhiều cơ hội trong việc xanh hóa. Đó là Nhà nước đã ban hành khá nhiều cơ chế chính sách tạo ra hành lang pháp lý vững chắc và tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ về xanh hóa. Việc xanh hóa trong sản xuất hóa chất giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cũng như kêu gọi đầu tư.

Tuy nhiên, yêu cầu về tiêu chuẩn xanh được đặt ra với ngành này khắt khe hơn rất nhiều so với các ngành sản xuất khác và điều này cũng khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh...

Những doanh nghiệp xanh hóa sản xuất, từ việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu đầu vào, chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng, đến việc thay đổi công nghệ, áp dụng công nghệ mới, xanh, thân thiện hơn với môi trường…  đều phải đầu tư và đây là một khó khăn rất lớn, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi đó, các doanh nghiệp của ngành hóa chất nói riêng và các doanh nghiệp của các ngành công nghiệp nói chung hiện giờ cũng đang rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào các giải pháp xanh hóa.

Để thúc đẩy xanh hóa trong ngành hóa chất, bà Nguyễn Thanh Phương cho biết các doanh nghiệp cần tập trung vào một số nội dung cơ bản. Đầu tiên, cần tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu và tính toán các phương án giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng để tối ưu chi phí sản xuất. Việc lựa chọn các giải pháp sản xuất sạch hơn sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt và giúp doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn môi trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tiếp cận các dự án xanh và nguồn hỗ trợ từ chính sách nhà nước như tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo quyết định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tiêu chí môi trường, dành cho những dự án đầu tư liên quan đến dự án xanh để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ từ các chính sách nhà nước liên quan đến tín dụng xanh và trái phiếu xanh.

Bà Nguyễn Thanh Phương lưu ý, không có cách nào khác là các doanh nghiệp phải tự nghiên cứu và tiếp cận những thông tin mới để có thể tìm ra những giải pháp để tiếp cận những nguồn đầu tư và thực hiện các dự án của mình. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tập trung nghiên cứu, đề xuất các nội dung cơ bản liên quan đến xanh hóa các ngành công nghiệp như khái niệm xanh hóa công nghiệp, bộ chỉ tiêu xác định mức độ xanh hóa của các ngành công nghiệp.

Từ đó, xác định những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hiện nay, để đề xuất các giải pháp, chính sách mới phù hợp trong việc thúc đẩy xanh hóa các ngành công nghiệp tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn