Xây dựng các tour du lịch độc đáo, mới lạ cho du lịch Hà Nội

Sản phẩm - Dịch vụ
02:40 PM 20/08/2022

Để ngành du lịch Hà Nội hồi phục, phát triển trong trạng thái bình thường mới, nhiều tour du lịch độc đáo, nhiều sản phẩm du lịch mới lạ đã được mở ra, nhằm khôi phục ngành du lịch Thủ đô.

Nhiều sản phẩm du lịch mới, lạ

Sở Du lịch Hà Nội thông tin, trong nửa đầu tháng 8, ngành du lịch Hà Nội đã đón 1,76 triệu lượt du khách, trong đó lượng khách nội địa đạt 1,6 triệu lượt; khách quốc tế khoảng 156.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 4,03 nghìn tỷ đồng. Các kết quả hoạt động này cho thấy ngành du lịch Hà Nội đã có bước tiến dài trong quá trình phục hồi. 

Trong 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch để thu hút du khách như tour "Đêm thiêng liêng 2" của di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour xe buýt 2 tầng khám phá Hà Nội, tour xe điện dạo quanh phố cổ, tour đi bộ "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội", tour xe đạp khám phá nhiều cung đường mới trong nội thành và ngoại thành Hà Nội; khai thác trở lại tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long", tour "Dấu chân làng cổ Bát Tràng"

Tour du lịch xe đạp Tinh hoa Tràng An liên tục kín chỗ vào dịp cuối tuần. Ảnh: Báo Dầu Tư

Tour du lịch xe đạp Tinh hoa Tràng An liên tục kín chỗ vào dịp cuối tuần. Ảnh: Báo Dầu Tư

Hoạt động du lịch đã náo nhiệt trở lại, với hàng loạt sự kiện được tổ chức quy mô, hấp dẫn như chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022, lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022, lễ hội Ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội… Trong dịp kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2022), Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội và Cuộc thi ảnh du lịch Hà Nội (nhận hồ sơ dự thi từ ngày 1/6 - 31/7/2022) nhằm xây dựng dữ liệu phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Thủ đô.

Ngành du lịch Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp, địa phương phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương như sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu ở Ba Vì, bay dù lượn ở Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiệm khám phá; Khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch mua sắm ở khu vực Đông Anh - Sóc Sơn, sản phẩm du lịch văn hóa đêm, ẩm thực tại khu vực phố cổ...

Tour bộ hành “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”. Ảnh: Bộ VH-TT-DL

Tour bộ hành "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội". Ảnh: Bộ VH-TT-DL

Thời gian tới, ngành du lịch Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch số 73/KH-UBND về phát triển du lịch nông nghiệp, trong đó tập trung đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại làng cổ Đường Lâm, làng nghề Hồng Vân, mô hình du lịch trang trại nông nghiệp tại huyện Đan Phượng, du lịch trang trại Vạn An xã Yên Mỹ, làng nghề dệt huyện Mỹ Đức, mô hình du lịch trang trại hữu cơ Hoa Viên, huyện Thạch Thất.

Hà Nội cũng mở rộng liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng để phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, du lịch di sản văn hóa; sẽ hình thành các tuyến du lịch như chùa Hương – Tam Chúc – Bái Đính, Hồ Gươm – Tràng An – vịnh Hạ Long, Hà Nội – Lai Châu – Hà Giang, Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La… Đồng thời, Hà Nội tổ chức nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại các địa phương và hỗ trợ các địa phương quảng bá du lịch tại Thủ đô.

Muốn bứt tốc, sản phẩm du lịch cần khác biệt

Có thể nói sau một thời gian "án binh bất động" du lịch Hà Nội đang có cuộc "ra quân" rầm rộ nhất trong bối cảnh thích ứng tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội để phục hồi ngành "công nghiệp không khói" cũng đặt ra vô vàn những thách thức. Bởi thực tế đây mới chỉ là những bước "chạy đà" trong lộ trình phục hồi du lịch Hà Nội.

Khám phá Hà Nội bằng xe buýt hai tầng. Ảnh: Internet

Khám phá Hà Nội bằng xe buýt hai tầng. Ảnh: Internet

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Hanoitourist cho biết, việc phục hồi ngành du lịch đang đòi hỏi cần có những sản phẩm độc đáo, mới lại nhưng phải thích ứng và phù hợp. Ngoài những yếu tố quan trọng như đáp ứng nhu cầu thị trường, những trải nghiệm du lịch, tính đa dạng và sáng tạo, tính giáo dục; sản phẩm du lịch còn cần đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, định hướng phát triển chiến lược sản phẩm du lịch mang tính đại trà hay chuyên biệt cần cân nhắc kỹ lưỡng trong mỗi giai đoạn phát triển du lịch nhằm tối ưu việc sử dụng tài nguyên du lịch.

Đồng thời tạo cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm du lịch mới phù hợp với tình hình hiện nay, hỗ trợ kích cầu và quảng bá cho các sản phẩm du lịch mới mà các doanh nghiệp triển khai trong giai đoạn hiện nay.

Để hoạt động du lịch đạt hiệu quả, đặc biệt là thu hút khách quốc tế đến Hà Nội trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội đã đề xuất Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch qua các kênh truyền thông quốc tế; triển khai các đoàn famtrip và presstrip khảo sát các điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam; tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế có uy tín....

Ngoài ra, Tổng cục Du lịch cần nghiên cứu xây dựng hệ thống ứng dụng (app) và bản đồ số du lịch dùng chung để thống nhất giữa các địa phương; hỗ trợ Sở Du lịch Hà Nội trong công tác chuyển đổi số; giới thiệu các video, clip quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên các kênh truyền thông, các sự kiện của Bộ, Tổng cục Du lịch tới thị trường trong nước và quốc tế...

Tổng cục Du lịch sẽ tăng cường hỗ trợ cho Hà Nội trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá. Thời gian tới, du lịch Hà Nội cần chú trọng đầu tư hơn nữa vào nguồn nhân lực, đồng thời phải có quy hoạch du lịch tốt, tăng cường xây dựng các sản phẩm độc đáo dựa trên khai thác giá trị văn hóa, làng nghề, sinh thái, ẩm thực…

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.