Xây dựng chính sách phát triển nhiên liệu hàng không bền vững
Chính phủ đang lên kế hoạch và chính sách để phát triển nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), đảm bảo cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính.
Tại cuộc họp bàn về chính sách phát triển nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và lộ trình tham gia Bù đắp và giảm phát thải carbon hàng không quốc tế (CORSIA) của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, việc áp dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trong giai đoạn 2025-2030 được dự báo sẽ khiến ngành hàng không Việt Nam phải gánh thêm 25 triệu USD chi phí, tương đương 4,5-5,5 triệu USD mỗi năm.

Nhiên liệu hàng không bền vững có thể khiến Việt Nam tăng 25 triệu USD chi phí đến năm 2030. Ảnh: SAF Investor
Con số này phản ánh thách thức tài chính đáng kể khi Việt Nam tiến hành chuyển đổi năng lượng sạch, phù hợp với các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để tháo gỡ "nút thắt" này, cần thiết xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển SAF, trong đó chú trọng đến đảm bảo năng lực cạnh tranh và thực hiện các cam kết môi trường quốc tế.
Một trong những giải pháp trọng tâm là xây dựng Nghị định thí điểm về sử dụng SAF, áp dụng cho cả các chuyến bay nội địa. Song song đó, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất SAF trong nước bằng cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và rác thải đô thị.
Phó Thủ tướng cũng giao Cục Hàng không Việt Nam hoàn tất hồ sơ đăng ký tham gia chương trình CORSIA theo đúng lộ trình, với thời điểm chính thức dự kiến bắt đầu từ 1/1/2026.
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ phối hợp với doanh nghiệp nâng cấp hạ tầng tiếp nhận và cung cấp SAF tại các sân bay lớn. Các doanh nghiệp xăng dầu được khuyến khích xây dựng đề án sản xuất SAF, đồng thời các bộ, ngành như Tài chính và Ngoại giao sẽ nghiên cứu cơ chế thu phí chuyến bay quốc tế, chính sách thuế và hỗ trợ tài chính.
Nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel - SAF) đang được xem là giải pháp chủ chốt để ngành hàng không toàn cầu thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Khác với nhiên liệu phản lực truyền thống có nguồn gốc từ dầu mỏ, SAF được sản xuất từ các nguyên liệu tái tạo như dầu ăn đã qua sử dụng, mỡ động vật, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ đô thị, thậm chí cả khí CO₂ thu hồi từ công nghiệp.
Đặc điểm nổi bật của SAF là khả năng cắt giảm đến 80% lượng phát thải CO₂ trên toàn vòng đời, tùy thuộc vào công nghệ sản xuất và nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, SAF có thể sử dụng ngay với động cơ máy bay và hạ tầng hiện tại mà không cần cải tiến lớn, qua đó giảm bớt chi phí chuyển đổi công nghệ cho các hãng hàng không.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay chính là chi phí. Giá thành của SAF hiện cao hơn từ 2 đến 5 lần so với nhiên liệu truyền thống, khiến việc thương mại hóa trên quy mô lớn còn nhiều thách thức. Bên cạnh đó, sản lượng SAF toàn cầu hiện mới chỉ chiếm dưới 0,1% tổng nhu cầu nhiên liệu hàng không, đòi hỏi các quốc gia phải nhanh chóng xây dựng chuỗi cung ứng trong nước.
Chính vì vậy, việc Việt Nam lên kế hoạch tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như rơm rạ, mía đường, rác thải hữu cơ để phát triển SAF trong nước là bước đi đúng hướng, không chỉ giúp giảm phát thải mà còn góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Minh An (t/h)
Theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt hơn 21%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế.