Xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Chỉ thị đã nêu những thời cơ, thuận lợi và thách thức của năm 2024 đối với kinh tế nước ta. Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ không là ngoại lệ, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiếp tục tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, kế thừa, phát huy thành quả đã đạt được, hóa giải những khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ đề ra, góp phần đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021 - 2025.
Chỉ thị nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương căn cứ yêu cầu, xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 với các nội dung chủ yếu đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.
Trong đó, tập trung làm rõ công tác điều hành, thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, làm rõ công tác điều hành tín dụng, lãi suất, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất - kinh doanh…; tình hình sản xuất công nghiệp; xuất nhập khẩu; thu hút đầu tư xã hội, vốn FDI; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản…
Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh nước ta phải chịu sự tác động nặng nề với hậu quả còn lâu dài của dịch COVID-19. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và những định hướng lớn.
Bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng với đó đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Chỉ thị cũng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2024-2026). Về dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời, đi đôi với phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện.
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2024 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách), mức tăng trưởng tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn trên cơ sở có tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023.
Xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 bảo đảm các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách gắn với việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế...
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.