Xây dựng kế hoạch vắc xin cho năm 2022, bảo đảm nguồn cung ổn định và tự chủ lâu dài

Sức khỏe
09:24 AM 14/10/2021

Tính đến ngày 13/10, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 90 triệu liều vắc xin. Trong tháng 10, có thể tiếp nhận thêm khoảng 34 triệu liều và đến cuối năm số lượng về còn nhiều hơn nữa.

Ngày 13/10, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin đã có cuộc họp đánh giá kết quả công tác ngoại giao vắc xin thời gian qua, đồng thời trao đổi, thống nhất định hướng triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới.

Dưới sự chỉ đạo sát sao, sự tham gia trực tiếp, quyết liệt của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các Bộ, ngành trong nước và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, công tác ngoại giao vắc xin thời gian qua đã đạt kết quả rất tích cực.

Xây dựng kế hoạch vắc xin cho năm 2022, bảo đảm nguồn cung ổn định và tự chủ lâu dài - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Các báo cáo của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế cho thấy trong tháng 9, tháng 10 và đến cuối năm 2021, số lượng vắc xin COVID-19 về Việt Nam tăng nhanh liên tục. Tính đến 13/10, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 90 triệu liều vắc xin. Dự kiến, trong tháng 10, có thể tiếp nhận thêm khoảng 34 triệu liều. Đến cuối năm 2021, số lượng vắc xin về Việt Nam tiếp tục nhiều hơn nữa.

Tổ công tác cũng kịp thời tham mưu, kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh hợp tác về công nghệ sản xuất vắc xin và hỗ trợ quá trình sản xuất, thử nghiệm vắc xin trong nước, kết nối nhập khẩu một số loại thuốc điều trị COVID-19.

Một số công ty của Việt Nam đã hợp tác với các hãng của Mỹ, Nga, Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ, thử nghiệm và sản xuất vắc xin công nghệ mới mRNA, đóng lọ thành phẩm vắc xin Sputnik V…. Công ty Nanogen của Việt Nam đã đạt thỏa thuận hợp tác với Ấn Độ về thử nghiệm và hợp tác sản xuất vắc xin.

Trong bối cảnh dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, Việt Nam cũng tiếp nhận được số lượng lớn trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá hàng chục triệu USD từ nhiều đối tác, tổ chức quốc tế và kiều bào trao tặng, kịp thời phục vụ thiết thực công tác điều trị trong giai đoạn số lượng ca mắc tăng cao, góp phần giảm áp lực cho hệ thống y tế.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh và đại diện các bộ, ngành cho rằng vắc xin trong giai đoạn vừa qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp giảm tỉ lệ nhiễm bệnh và tử vong và chuyển đổi chiến lược ứng phó với dịch bệnh. Đến nay, Việt Nam đã tiêm mũi 1 cho hơn 54% dân số trên 18 tuổi và tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 22% dân số.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin đánh giá cao các thành viên đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, vào cuộc khẩn trương, kịp thời tham mưu, kiến nghị và tổ chức triển khai các hoạt động ngoại giao vắc xin ở cấp cao rất hiệu quả, bài bản.

Kết quả đạt được vừa qua đã tạo điều kiện quan trọng để đất nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế.

Nhiệm vụ quan trọng nhất từ nay đến cuối năm là tiếp tục vận động, đôn đốc, bảo đảm các đối tác chuyển giao vắc xin cho ta theo đúng cam kết, tiếp tục tham mưu cho Chính phủ trong quá trình xây dựng kế hoạch tổng thể về nhu cầu vắc xin cho năm 2022, bao gồm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, từ 12 đến 18 tuổi và vắc xin tiêm mũi tăng cường, cũng như năng lực sản xuất trong nước để đảm bảo chủ động trong việc tiếp cận vắc xin. Tổ công tác cũng cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc xin để hỗ trợ phát triển vắc xin trong nước, bảo đảm nguồn cung ổn định và tự chủ lâu dài về vắc xin.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Chỉ số BCI tại Việt Nam đạt mức cao nhất trong hơn hai năm qua Chỉ số BCI tại Việt Nam đạt mức cao nhất trong hơn hai năm qua

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) vừa công bố báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý IV/2024. Theo đó, chỉ số BCI đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, tăng từ 46,3 trong quý IV/2023 lên 61,8 trong quý IV/2024.