Xây dựng Luật Thủ đô để “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”

Địa phương
02:21 PM 11/11/2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có tầm quan trọng đặc biệt bởi Hà Nội không chỉ là một đô thị đặc biệt mà còn là Thủ đô của cả nước. Do đó dự án Luật phải thể chế hóa được Nghị quyết của Đảng về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội đến giữa thế kỷ.

Hà Nội phát triển sẽ tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước

Chiều 10/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội là đầu não, bộ mặt, trái tim, tất cả những tinh túy nhất; thành phố vì hòa bình và được tổ chức UNESSCO trao tặng là thành phố sáng tạo.

Thủ đô được định nghĩa trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.

Xây dựng Luật Thủ đô để “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho đến tận giữa thế kỷ để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước. 

"Như nhiều đại biểu đã nói, xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng của Hà Nội mà thực chất là cho cả nước theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cùng cả nước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Đảng bộ, chính quyền nhân dân Thủ đô đã đầu tư rất lớn cho dự luật này. Cơ quan trình dự án Luật là Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã làm việc với nhau từ sớm về dự án Luật Thủ đô và đầu tư nhiều công sức. Đảng đoàn Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp hai lần làm việc chính thức với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. 

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ cá nhân mình không chỉ thực hiện trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà cũng là trách nhiệm của công dân trên địa bàn Thủ đô và từng đảm nhận nhiệm vụ là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Do đó dành nhiều sự quan tâm, đầu tư nhiều thời gian, công sức đến dự án Luật này. Đến nay dự án Luật trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 được các đại biểu ghi nhận dù mới trình lần đầu nhưng đã có chất lượng khá tốt, nhằm khắc phục tính chất luật khung, luật ống của Luật Thủ đô 2012. 

Luật sửa đổi lần này tăng thêm 3 chương, 27 điều so với Luật hiện hành, những quy định mang tính chất quy phạm rất rõ để có thể áp dụng một cách khả thi. Định hướng chung xây dựng luật vừa quy định những vấn đề có tính phổ quát của một đô thị đặc biệt, vừa có tính đặc thù của Thủ đô, riêng có của Thủ đô.

Nhấn mạnh đây là đạo luật về cơ chế đặc thù, về giao quyền, phân quyền, phân cấp trong đó có gắn với trách nhiệm giám sát và kiểm tra, Chủ tịch Quốc bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến để thông qua hai kỳ họp có được dự án luật với chất lượng tốt nhất.

Mô hình chính quyền đô thị như của Hà Nội là phù hợp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) có thuận lợi hơn khi Quốc hội vừa xây dựng nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh với quy mô gần như một đạo luật với 44 chính sách, trong đó có 27 chính sách hoàn toàn mới so với những chính sách đã áp dụng cho các địa phương khác trong toàn quốc. Đây là nền tảng để tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa những nội dung phù hợp với Thủ đô.

Xây dựng Luật Thủ đô để “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”- Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Góp ý về nội dung cụ thể của dự thảo Luật, với quy định về mô hình tổ chức chính quyền của TP Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Khi tiến hành tổng kết các Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cho thấy mô hình chính quyền đô thị như của Hà Nội phù hợp hơn bởi chỉ bỏ HĐND ở cấp phường, còn chính quyền ở nông thôn thì vẫn giữ nguyên. Thành phố đã lựa chọn mô hình để quy định trong Luật. “Luật hóa nội dung này trong dự thảo có thể nói đã tương đối chín”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Về số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội, Dự thảo Luật đề xuất tăng từ 90 lên 125 đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua nghiên cứu kỹ, nội dung này hoàn toàn phù hợp Nghị quyết của Trung ương bởi khi không tổ chức HĐND ở cấp phường, Hà Nội giảm được khoảng 6.000 người mà chỉ đề xuất tăng có 35 người.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc phân cấp, phân quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố là cần thiết và cần thí điểm để sau này có tổng kết, đánh giá.

Ủng hộ quy định của dự thảo Luật về việc trao quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý rằng việc trao những quyền cụ thể nào cần phải tính toán phù hợp. Nếu thực tiễn Hà Nội triển khai tốt thì có thể quy định phổ quát nội dung này.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa để có kịch bản ứng phó phù hợp Giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa để có kịch bản ứng phó phù hợp

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa thế giới và trong nước để chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời.