Xây dựng nền tảng thương hiệu vững mạnh trong bão COVID-19
Trong bối cảnh COVID-19, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen tiêu dùng và ngày càng khó tính, doanh nghiệp phải coi thương hiệu là vũ khí cạnh tranh và đổi mới tư duy về lĩnh vực này.
Hiện nay, trong bối cảnh thói quen và thị hiếu tiêu dùng thay đổi nhanh chóng với nhiều xu thế khác nhau, đòi hỏi đa dạng tiện ích, trải nghiệm mới, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải thay đổi cách khách hàng tương tác tới thương hiệu, thay đổi cách tiếp cận thị trường, tận dụng cơ hội kinh doanh trực tuyến để thúc đẩy và phát triển thị trường.
Doanh nghiệp phải coi thương hiệu là vũ khí cạnh tranh và thay đổi tư duy, có tầm nhìn mới về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chiến lược thương hiệu kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, cũng như chú trọng phát triển các sản phẩm nội địa để phát huy rõ nét tinh thần “thương hiệu Việt”.
Nếu như trước đây những sản phẩm được tin dùng nhờ tiêu chí ‘‘ăn chắc mặc bền” thì hiện nay điều đó không còn là ưu tiên số một trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ nữa, đặc biệt là các bạn trẻ. Thay vào đó, sản phẩm, dịch vụ phải bắt kịp xu hướng và trở nên tiện dụng hơn. Điều đó thúc ép doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược quảng bá thương hiệu cho phù hợp: nhanh gọn, chính xác và hiệu quả đến từng đối tượng khách hàng.
Theo bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Phó Chủ tịch Hội Marketing Việt Nam, Thành viên HĐQT PNJ, sức khỏe thương hiệu không chỉ đo bằng doanh thu, các mặt hàng được tạo ra mà còn bằng sức mạnh của thương hiệu, mối quan hệ cũng như tâm trí của người tiêu dùng đối với thương hiệu này, và đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh bùng phát trở lại, sức khỏe của người tiêu dùng cũng được đặt lên hàng đầu.
Lấy ví dụ như Lego, thương hiệu này đã phát đi những video nhân văn kèm hashtag #LetsBuildTogether nhằm lan truyền thông tin và nội dung mang tính tích cực, thu hút và tương tác với các khách hàng, đồng thời, củng cố tinh thần và giúp mọi người phấn chấn hơn trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Phương châm của Lego là "Nghĩ đến giải pháp, không chỉ sản phẩm", "Nghĩ đến cách tiếp cận, không chỉ là địa điểm", "Nghĩ đến giá trị, không chỉ là giá cả", "Nghĩ đến tính giáo dục, không chỉ là quảng cáo"...
Có thể nói, vào thời đại này, một thương hiệu mạnh là thương hiệu đặt lợi ích của khách hàng lên đầu, nhận được sự đánh giá cao của khách hàng. Để đạt được điều đó, chúng ta cần lưu ý những điều nhỏ nhặt nhưng khá quan trọng: Bạn chỉ cần bỏ ra một vài phút viết thư cảm ơn khách hàng thay vì chi hàng nghìn đô la cho một chiến dịch. Bạn có thể tổ chức một bộ phận chuyên cảm ơn khách hàng thay vì bộ phận dịch vụ khách hàng. Thường xuyên tổ chức tri ân khách hàng, gây ngạc nhiên và thích thú cho khách hàng của bạn...
Trên thực tế, người tiêu dùng ngày nay đã trở nên hiện đại và toàn cầu hóa. Tư tưởng tiến bộ hơn kéo theo việc họ có những đánh giá và quan điểm phức tạp hơn khó có thể tiếp cận thông qua việc hỏi - đáp thông thường. Trong cuộc cách mạng 4.0 như hiện nay, công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua những hiểu biết cố hữu và phỏng đoán để đi sâu vào tiềm thức người tiêu dùng, nắm bắt rõ hơn những quan điểm tiềm ẩn nhằm đưa ra những ý tưởng phát triển sản phẩm phù hợp hơn với thị trường.
Dù vậy, khách hàng vẫn là con người và nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ quan tâm đến sức khỏe, đến cảm xúc nhiều hơn. Và đã đến lúc các thương hiệu nhìn lại mục đích của mình. Như mục đích của Biti's là tập trung vào sự phát triển nhu cầu của khách hàng, hay của PNJ là truyền cảm hứng để khách hàng hiểu được giá trị đích thực của họ...
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư khiến chúng ta phải chậm lại và đây là lúc cần nhìn lại mình và xác định điều quan trọng với việc xây dựng thương hiệu. Từ đó, chúng ta có thể làm tốt hơn và biết ưu tiên làm gì để phát triển thương hiệu. Trong cuộc sống "bình thường mới", chúng ta cần tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, bảo vệ thiên nhiên và hệ sinh thái; phát hiện ra sai sót và lỗ hổng trong kinh doanh để cải thiện và làm tốt hơn...
Và trên hết, các thương hiệu cần lấy con người làm gốc; con đường phải đi của doanh nghiệp muốn "được thương", được yêu, được tôn trọng và mong muốn cùng tồn tại với xã hội thì cần thay đổi tư duy của những người quản trị thương hiệu. Hãy để nền văn hoá tử tế thấm sâu vào mọi tư duy, nhận thức, hành vi của doanh nghiệp. Không kỳ vọng vào sự hoàn hảo, bởi doanh nghiệp nào cũng có thể mắc lỗi, điều này mang lại cảm giác rất "thật" và là nền tảng để kết nối với con người - khách hàng của chúng ta...
Nhung T.Tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp 31,4 tỷ USD; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 64% tổng vốn cấp mới; Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với gần 9,14 tỷ USD... là những điểm nhấn đáng chú ý trong tình hình thu hút vốn đầu tư FDI 11 tháng năm 2024.