Xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo
Sáng 18/10, tại TP Cao Lãnh, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã long trọng khai mạc với sự tham dự của 350 đại biểu chính thức, đại diện cho 60.000 đảng viên toàn Đảng bộ về dự Đại hội.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 có chủ đề "Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng sống của Nhân dân, xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh".
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm đạt hơn 83.500 tỷ đồng
Nhiệm kỳ 2015-2020, Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của Đồng Tháp hàng năm đạt 6,44%. Ước tính đến cuối năm 2020, giá trị GRDP ước đạt hơn 87.300 tỷ đồng, tăng gấp 1,53 lần so với năm 2015, GRDP bình quân đầu người đạt 54,55 triệu đồng (tương đương 2.292 USD), tăng 1,55 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng qua các năm, đến cuối năm 2020, ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng bình quân 9,24%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 19,93% (năm 2015 là 17,4%), thương mại - dịch vụ chiếm 45,53% (năm 2015 là 42,7%), nông - lâm - thuỷ sản chiếm 34,54% (năm 2015 là 39,9%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng.
Kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh và toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,57%. Đồng Tháp đã triển khai thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp" với nội dung "Hợp tác - Liên kết - Thị trường" và "Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh" đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45,6 triệu đồng.
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch mở ra hướng tiếp cận mới cho nông dân, tạo nền tảng cơ bản thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, giá trị chuỗi các ngành hàng chủ lực được nâng cao, các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ ngày càng lan toả, thu hút gần 50 dự án đầu tư, với hơn 5.300 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo được diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, nâng cao chất lượng sống của dân cư nông thôn, toàn tỉnh có 98/117 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh và TP Hồng Ngự được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh được công nhận đạt chuẩn NTM.
Giai đoạn 2016 - 2020, thành lập mới 70 hợp tác xã, nâng tổng số trên địa bàn tỉnh có 168 hợp tác xã. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm đầu tư. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy 3 khu công nghiệp đạt trên 98%, 12 cụm công nghiệp đạt trên 76%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 11,6%/năm; các sản phẩm xuất khẩu chủ lực tăng trưởng tốt và giá trị trên 01 tỷ USD/năm.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn đứng ở thứ hạng cao và 12 năm liền nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước, góp phần thu hút 178 dự án đầu tư trên địa bàn, với tổng vốn đăng ký hơn 18.000 tỷ đồng (có 08 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 1.889 tỷ đồng), nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 4.200 doanh nghiệp.
Tổng vốn đầu tư huy động toàn xã hội trong 5 năm (2015 - 2020) ước đạt hơn 83.500 tỷ đồng, chiếm 22,3% GRDP, tăng 71% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,15 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của thuỷ sản chế biến tăng 8,76%/năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 425 triệu USD.
Hình ảnh Đồng Tháp được biết đến nhiều thông qua hình ảnh thân thiện và năng động, là điểm đến của nhiều du khách, khẳng định thương hiệu "Đất Sen Hồng", góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, xuất khẩu hàng hoá, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. 5 năm, thu hút trên 17,5 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, với doanh thu du lịch ước đạt 4.235 tỷ đồng.
5 năm sửa chữa, cất mới trên 7.200 căn nhà
An sinh xã hội được quan tâm thực hiện, tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực để tiếp tục mở rộng đối tượng hỗ trợ về nhà ở theo chương trình xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công.
Hoạt động BTXH được triển khai thực hiện hiệu quả, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, đã giúp cho những người thuộc diện bảo trợ xã hội, người gặp rủi ro vượt qua khó khăn; đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới hơn 5.200 căn nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng mới 2.050 căn nhà tình nghĩa, huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa 45 tỷ đồng, có trên 60.000 đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp tại cộng đồng, trên 11.000 người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp thường xuyên.
Toàn tỉnh có 38 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 18 làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho gần 12.200 lao động, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/lao động. Giai đoạn 2016 - 2020, ước tính người lao động xuất cảnh đã gửi tiền về nước gần 1.500 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 còn 1,28%.
Nguồn nhân lực y tế được cải thiện, trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ y tế được nâng lên; có 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện được đầu tư, nâng cấp, phục vụ tốt việc chẩn đoán, điều trị bệnh.
Toàn tỉnh có 143/143 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế cấp xã. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 90%. Tỉnh đang xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với quy mô 700 giường bệnh với tổng mức đầu tư trên 1.700 tỷ đồng, đưa vào vận hành 5 bệnh viện tư tại 3 trung tâm kinh tế lớn của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực điều trị tại chỗ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.
Ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân trong tỉnh, các cơ sở y tế còn thu hút một số lượng lớn bệnh nhân quốc tế (chủ yếu đến từ Vương quốc Campuchia). Sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trong việc sử dụng cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị y tế đã phát huy hiệu quả.
Phong trào thể dục, thể thao đạt được nhiều kết quả nổi bật, thể thao phong trào ngày càng được nâng cao và mở rộng, ước tính đến năm 2020, có gần 1.350 câu lạc bộ thể dục thể thao, tổ chức hơn 400 cuộc thi đấu, hội thao, giao lưu thể thao hàng năm thu hút hơn 95.000 lượt vận động viên tham gia.
Thể thao thành tích cao đạt được nhiều kết quả tích cực, cung cấp nhiều vận động viên, huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia, đã mang về nhiều thành tích cho thể thao nước nhà. Hàng năm, cử trên 400 lượt vận động viên tham gia các giải thể thao khu vực, quốc gia, khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới, đạt trên 300 huy chương các loại.
Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố vững mạnh cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân được nâng lên. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; quan hệ hợp tác, đối ngoại tiếp tục được tăng cường, đạt nhiều kết quả tích cực.
20 chỉ tiêu chủ yếu và 6 nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025
Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tiên phong, gương mẫu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; xây dựng chính quyền điều hành năng động, hiệu quả, phục vụ nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh; tập trung thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng; nâng cao năng lực công nghiệp, đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI cũng đề ra 20 nhóm chỉ tiêu chủ yếu quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025 là, Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,5%.
Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người tăng gấp 1,7 lần so với năm 2020 (tương đương 3.434 USD). Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân từ 8,0 đến 10%/năm.
Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2020 - 2025 đạt khoảng 26% GRDP. Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 42%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn dưới 40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%, trong đó lao động được đào tạo nghề đạt 57%.
Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% (dự kiến theo chuẩn mới). Có 30 giường bệnh/01 vạn dân. Có 10,5 - 11 bác sĩ/01 vạn dân.
Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 05 đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới và 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phấn đấu thành lập mới 35 hợp tác xã. Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 98%. Có 100% chất thải nguy hại được xử lý. Tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 95%.
Tỷ lệ đảng viên trên 4% dân số. Có 70% ban công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội, Hội quán, Tổ Nhân dân tự quản hoạt động từ khá trở lên. Có 100% chi bộ bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Có 100% chi bộ xây dựng và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá và hàng năm.
Ngoài ra, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025 là:
Thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung phát triển nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, chú trọng liên kết với các địa phương trong phát triển đô thị, công nghiệp và thương mại, dịch vụ để phục vụ nền nông nghiệp phát triển bền vững; đào tạo nghề, hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi nghề, khuyến khích đi lao động ở nước ngoài.
Đẩy mạnh đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Giữ vững cân đối thu, chi ngân sách hàng năm. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết, thị trường, sản xuất an toàn, tăng tỷ lệ sản phẩm bảo quản, chế biến sau thu hoạch; giữ vững các ngành công nghiệp có lợi thế và tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm ma tuý và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.
Thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số trên 03 lĩnh vực: Xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Xây dựng chính quyền các cấp của dân, do dân và vì dân. Tăng cường công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động Nhà nước và của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là trong tham gia tự quản, xây dựng cộng đồng dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy mạnh mẽ ý chí, niềm tin và khát vọng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguyễn Khôi - Hồng ÂnTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.