Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là động lực quan trọng phát triển Thủ đô
Thành ủy Hà Nội vừa yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là một nguồn lực, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Ngày 18/7, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 06) đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quý II/2024, triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, Ban Chỉ đạo xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được cụ thể hóa trong Chương trình công tác lớn của Thành ủy ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, được xác định là khâu đột phá của Chương trình số 06-CTr/TU (nhiệm kỳ Đại hội XVII).
Qua triển khai Chương trình số 06-CTr/TU năm 2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, Ban chỉ đạo chương trình đánh giá nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã tạo được nhiều kết quả tích cực.
Điểm nổi bật tạo nên sự đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người của Thủ đô trong thời gian qua và những năm tiếp theo, đó chính là sự kế thừa và phát huy hiệu quả tinh thần đổi mới; triển khai hiệu quả từ các thôn, xóm, nhà văn hóa, các khu dân cư tại địa bàn Hà Nội.
Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng trong toàn xã hội, nhiều tấm gương sáng, câu chuyện đẹp của thanh niên trong tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, trong sinh hoạt, lao động hằng ngày được kịp thời phát hiện, biểu dương và tôn vinh. Nhiều gương người tốt, việc tốt của thanh niên trở thành những nguồn cảm hứng, động lực của nhiều bạn trẻ, đồng thời góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới, Thành ủy yêu cầu quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả đường lối, quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021): “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
UBND TP. Hà Nội đã có kế hoạch nhằm tăng cường xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025. Việc này nhằm đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Một điểm nhấn tiếp theo là Hà Nội sẽ xây dựng và phát huy hiệu quả "văn hóa trên môi trường số", khai thác tốt các giá trị truyền thống, hướng tới mục tiêu xây dựng "công dân số", "công dân toàn cầu". Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản; quản lý các loại hình thông tin trên mạng internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Để xây dựng Người Hà Nội phát triển toàn diện, thành phố định hướng xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước; trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người dân Thủ đô đều hiểu biết, tự hào, tôn vinh lịch sử và văn hóa dân tộc.
Minh AnTheo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.