Xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa – Những kết quả vượt bậc

Địa phương
01:14 PM 23/12/2022

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là quá trình lâu dài, liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM và đã đạt được những kết quả vượt bậc. Đây cũng là tiền đề để hướng tới thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Hơn 10 năm, nhìn lại một chặng đường nỗ lực, phấn đấu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu xuất sắc, làm thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại những gam màu tươi sáng cho bức tranh NTM của tỉnh. Công cuộc xây dựng NTM ở Thanh Hóa khởi nguồn từ những năm 2010 nhưng chỉ thực sự trở thành phong trào rộng khắp và hiệu quả khoảng 5 năm trở lại đây.

Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới – Những kết quả mới vượt bậc - Ảnh 1.

Thu hoạch dưa kim hoàng hậu, sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh của huyện Thọ Xuân

Năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Căn cứ mục tiêu XD NTM đến năm 2025 đã được Trung ương và tỉnh xác định, trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Chính phủ; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành trực tiếp Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện. Từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; từng bước tháo gỡ những "nút thắt" trong quá trình thực hiện.

Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XD NTM, có 346 xã, 904 thôn, bản (trong đó 692 thôn bản miền núi) đạt chuẩn NTM; 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã, 246 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã. 

Theo kế hoạch, năm 2022, toàn tỉnh có thêm 120 sản phẩm OCOP, nhưng trong 11 tháng đầu năm, đã có 134 sản phẩm được công nhận OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 292 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, 235 sản phẩm 3 sao, đưa Thanh Hóa vươn lên đứng thứ 2 trên cả nước về các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, dự kiến đến hết tháng 12/2022, tỉnh sẽ có thêm 3 sản phẩm đạt 5 sao (cấp quốc gia), đó là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của huyện Nga Sơn.

Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới – Những kết quả mới vượt bậc - Ảnh 2.

Xây dựng hàng rào tại huyện Triệu Sơn

Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM năm 2022 đã góp phần làm thay đổi đáng kể tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng và nâng cấp, bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 46,76 triệu đồng (tăng 6,692 triệu đồng so với năm 2021), tỷ lệ hộ nghèo còn 6,08% (giảm 0,66% so với năm 2021).

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết:  Chúng tôi luôn xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể để thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Phải lấy NTM để nuôi NTM, lấy thế mạnh của từng địa phương để phát huy sức mạnh nội sinh của chính địa phương ấy. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực từ ngân sách nhà nước thì không thể nào xây dựng được NTM, bởi theo tính toán, mỗi xã phải mất tới 100 - 200 tỷ đồng để đầu tư cho đạt các tiêu chí. 

Vì thế, để tạo ra tính bền vững của NTM thì gốc rễ phải là nội lực của miền quê đấy, phải là sức dân. Việc huy động sức dân không nên hiểu giản đơn chỉ là huy động về ngày công, về tiền bạc, hiến đất đai mà điều quan trọng nữa đó là gì, đó là phải huy động sáng kiến của chính nông dân, hiểu được cái nhiệt huyết muốn cống hiến của dân, từ đó có những chủ trương sát đúng với thực tiễn và có cái cơ chế để phát huy sáng tạo, cái đóng góp, cái chủ động tích cực của nhân dân. Làm tăng lên sự gắn kết và niềm tin giữa Đảng với dân. Khi ý Đảng và lòng dân có một sự gặp gỡ, lúc đó phong trào sẽ thành công.

Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới – Những kết quả mới vượt bậc - Ảnh 3.

Người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh tại các khu dân cư trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân về xây dựng NTM đã có chuyển biến tích cực, bảo đảm đúng nội dung, đúng định hướng, đa dạng và phong phú với từng địa bàn, từng đối tượng, chú trọng thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những vấn đề có liên quan đến xây dựng NTM, góp phần vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện các chỉ tiêu về XD NTM của mỗi địa phương.

Theo đó, phong trào thi đua "Cả nước chung sức XD NTM" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XD NTM, đô thị văn minh" được triển khai thực hiện rộng khắp từ huyện, thị đến cơ sở; đã tập trung vận động, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân thực hiện tốt 05 nội dung các cuộc vận động, nhiều cán bộ và Nhân dân đã tự nguyện hiến đất, công trình, cây trái, hoa màu và ngày công để thưc hiện các công trình xây dựng đạt chuẩn NTM, số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt trên 90%. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức xây dựng NTM, 6 lớp tập huấn Chương trình OCOP cho 530 người là cán bộ cấp (huyện, xã, thôn) và các chủ thể OCOP…

Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới – Những kết quả mới vượt bậc - Ảnh 4.

Vườn dưa chuột Baby của hộ chị Nguyễn Thị Hương ở tiểu khu 1, thị trấn Thiệu Hóa

Không chỉ là phong trào, là thành tích, với thực tiễn sinh động ở khắp mọi vùng quê từ miền xuôi đến miền núi, chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: công cuộc XD NTM ở Thanh Hóa thực sự có chiều sâu, hiệu quả thiết thực. Điều đó thể hiện rõ nét, trước hết ở sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Nền nông nghiệp tỉnh nhà từ chỗ manh mún, nhỏ lẻ nay đã được thay thế bằng những cánh đồng mẫu lớn, những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến sâu... Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP... giúp người nông dân nâng cao chất lượng cuộc sống và đặc biệt là được làm giàu, được thỏa đam mê trên chính mảnh đất quê hương mình. 

Theo đó, nhiều sản phẩm, cây trồng, vật nuôi đặc thù, từng nổi tiếng của các địa phương đã được khôi phục, phát triển, nâng tầm thương hiệu. Đó là các sản phẩm như: Bưởi Luận Văn, vịt Cổ Lũng, mật ong hoa rừng Yên Nhân, bánh lá răng bừa Yên Định, bánh gai Thọ Xuân, nước mắm Lê Gia, nem nướng Như Thanh, bánh nhãn Lang Chánh, măng khô Mường CaDa… Ngoài ra, cũng nhờ chương trình OCOP, nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống cũng được khôi phục và phát triển mạnh mẽ như làng nghề đúc đồng xã Thiệu Trung, làng nghề làm bánh tráng các xã của huyện Thiệu Hóa, làng nghề làm nem chua, sản xuất hương của thành phố Thanh Hóa…

Thực hiện chính sách khuyến khích xây dựng NTM, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí từ ngân sách 120 tỷ đồng, để hỗ trợ (thưởng) đủ định mức theo cơ chế, chính sách đã ban hành cho 3 huyện đạt chuẩn NTM; 53 xã đạt chuẩn NTM, 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 306 thôn, bản đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu để các địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Hỗ trợ 7,780 tỷ đồng cho các chủ thể có 80 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (71 sản phẩm 3 sao, 9 sản phẩm 4 sao). Nguồn lực huy động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trong năm 2022 là  6.121,869 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách các cấp: 3.716,869 tỷ đồng, chiếm 60,7%; ngân sách Trung ương: 796, 869 tỷ đồng; ngân sách tỉnh: 120 tỷ đồng…

Cái được lớn nhất, không chỉ đẹp về diện mạo và vững về kinh tế, điều đáng mừng nữa là đời sống văn hóa nông thôn ở Thanh Hóa vẫn đậm đà bản sắc, nhiều thuần phong mỹ tục được khơi dậy, nhiều chuẩn mực văn hóa được bồi đắp, tình nghĩa xóm làng, họ mạc trọn vẹn, thủy chung và gắn kết hơn. An ninh nông thôn được giữ vững. Cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp, trong lành.

Bài học lớn xuyên suốt trong phong trào xây dựng NTM ở Thanh Hóa, trước hết là vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, sâu sát của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Là bài học về lấy sức dân lo cho dân, trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội, trong đó ngân sách Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ thiết thực..

Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới – Những kết quả mới vượt bậc - Ảnh 5.

Đường làng, ngõ xóm xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả đáng trân trọng nhưng so với yêu cầu, phong trào xây dựng NTM của Thanh Hóa còn bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế. Trong 119 xã chưa đạt chuẩn NTM của tỉnh, có tới 105 xã thuộc các huyện miền núi. Đây là các xã có nguồn thu ngân sách trên địa bàn rất hạn hẹp, vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi, kinh tế khó khăn, các tiêu chí còn lại chưa đạt chuẩn chủ yếu thuộc nhóm tiêu chí Hạ tầng kinh tế - xã hội… 

Mặt khác, trong đó, một câu hỏi lớn đặt ra cần giải đáp là: Làm sao để các địa phương về đích NTM phải thực sự là tiêu biểu về phát triển nông nghiệp, nông thôn, có sức bật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, mang lại sự tiến bộ về mọi mặt cho đời sống người dân. Có những tiêu chí, nhất là tiêu chí "mềm" về thu nhập, môi trường, an ninh trật tự..., việc đạt chuẩn đã khó, việc giữ vững, nâng cao chất lượng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa.

Nhìn lại chặng đường xây dựng NTM thời gian qua, ông Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Trung ương đưa ra Bộ tiêu chí xây dựng NTM để làm "khung", định hướng chung cho tất cả các địa phương nhưng làm như thế nào lại tùy thuộc rất lớn vào sự sáng tạo của từng nơi. 

Theo đánh giá của tôi, những kết quả NTM ngày càng thực chất, ngày càng bền vững, tạo ra một nông thôn mà ở đó người dân ấm no, hạnh phúc, phát huy được tố chất năng lực của mình. Dân chưa no thì chưa được gọi là NTM. Xã hội nông thôn có những cái mới, sức mạnh của người nông dân đã có những bước tiến dài so với trước. 

Điều tôi thấy có ý nghĩa nhất, đó là NTM đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ các cấp từ trung ương đến cơ sở. Cán bộ lãnh đạo, đảng viên lăn lộn, sát thực tiễn, trưởng thành, gắn bó với dân và biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân hơn. Người dân từ chỗ "ngóng", chờ hỗ trợ bên ngoài đã chủ động đóng góp, tự giác, tham gia rất tích cực vào chương trình này. Phải thấy rằng, NTM là một chặng đường dài, không có điểm dừng. 

Cho nên, nếu có tư tưởng ngơi nghỉ, đạt chuẩn là xong thì không thể có được NTM thực sự. XD NTM được ví như "chèo xuồng nước ngược" vậy, chỉ khi nào đời sống người dân thực sự ấm no, hạnh phúc thì khi ấy phong trào xây dựng NTM mới thật sự thành công.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Quý I, Việt Nam chi gần 351,9 triệu USD nhập khẩu hơn 1,12 triệu tấn phân bón Quý I, Việt Nam chi gần 351,9 triệu USD nhập khẩu hơn 1,12 triệu tấn phân bón

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính chung 3 tháng đầu năm 2024, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,12 triệu tấn, trị giá gần 352 triệu USD, giá trung bình đạt hơn 314 USD/tấn, tăng gần 83% về lượng và hơn 48% về giá trị.