Xây dựng NTM gắn với đào tạo nghề cho người lao động
Trong những năm qua, mục tiêu xây dựng nông thôn mới (XD NTM) đang được chính quyền, nhân dân huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) nỗ lực, chung sức xây dựng. Cùng với đó huyện quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn. Diện mạo thôn, bản ngày càng có nhiều đổi thay, cuộc sống bà con dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
Để xây dựng NTM ở huyện miền núi thành công, trước hết huyện xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) có ý nghĩa quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện Quan Sơn đã chú trọng ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của việc học nghề.
Đồng thời chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ TB&XH) phối hợp với các phòng, các xã, thị trấn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức điều tra, rà soát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chưa qua đào tạo nghề.
Từ năm 2020 đến nay, Khi nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho công tác thực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Quan Sơn đã mở gần 60 lớp đào tạo nghề LĐNT cho 1.848 học viên. Ở đây, các học viên được cung cấp kiến thức chuyên sâu; kết hợp tốt giữa việc học lý thuyết và thực hành. Nhờ đó các học viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn thành thạo các kỹ năng nghề, vận dụng ngay trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của hộ gia đình.
Điển hình là xã Trung Hạ, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều người dân học nghề xong áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Lữ Hồng Cương, học viên lớp kỹ thuật chăn nuôi ở bản Xầy phấn khởi cho biết: Trước đây, do không có kiến thức chăn sóc, phòng, trị bệnh nên vật nuôi bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế giảm sút. Khi tham gia học nghề, tôi được hướng dẫn cụ thể phương pháp xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, có kiến thức để áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình...
Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Quan Sơn từng bước được nâng lên. Góp phần nâng cao chất lượng Mục tiêu quốc gia về XDNTM ở huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Là huyện vùng biên và nằm trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, Quan Sơn có địa hình bị chia cắt do núi đồi. Vì thế, huyện xác định phát triển kinh tế cho người dân, để XDNTM thành công, công tác đào tạo nghề cho NLĐNT không kém phần quan trọng; luôn là mục tiêu cốt lõi của chúng tôi.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nông thôn được xem là yếu tố quan trọng, giúp thực hiện hiệu quả công tác XDNTM, giảm nghèo bền vững. Thời gian qua huyện Quan Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chính sách về lao động - việc làm, tạo điều kiện để người dân hiểu, tiếp cận và thực hiện tốt chính sách giải quyết việc làm, qua đó góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Những năm qua, cùng với các chính sách khuyến kích hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa, cấp ủy Đảng, Chính quyền huyện miền núi Quan Sơn đã có những giải pháp tích cực để huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn ở huyện miền núi cũng là một nguồn lực nội sinh.
Có thể nói, Chương trình NTM đã "thổi một luồng gió mới", làm thay đổi căn bản, toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân Quan Sơn. Những tuyến đường được bê tông hóa, các khu dân cư được quy hoạch, chỉnh trang. Đời sống của người dân được nâng cao, các bản làng dần thay đổi về mọi mặt.
Theo thống kê từ Huyện ủy Quan Sơn, đến nay địa phương có 2/11 xã đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ thôn, bản đạt chuẩn NTM của Quan Sơn đã đạt 67,5% với 56/84 bản đạt chuẩn NTM, trong đó có 9/83 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tính riêng các bản nằm giáp nước bạn Lào, hiện đã có 8/16 đơn vị đạt chuẩn NTM. Tuy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng hơn 2 năm qua huyện đã huy động tổng nguồn vốn trên 139 tỷ đồng cho XDNTM, trong đó vốn huy động trong nhân dân trên 10 tỷ đồng.
Đáng chú ý là huyện Quan Sơn đã lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ, kết hợp huy động sức dân để làm đường giao thông, cải thiện vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn... Bên cạnh đó, huyện cũng đã thực hiện hỗ trợ giống vật nuôi giúp bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; cử cán bộ về "cắm bản" cùng ăn, cùng ở để trực tiếp vận động, cầm tay chỉ việc cho người dân thực hiện.
Nhiệm vụ XDNTM ở Quan Sơn đang được thực hiện đồng loạt ở 11 đơn vị xã và 84 thôn, bản trên toàn huyện. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế được cải thiện. NTM cũng giúp đồng bào trong huyện lưu giữ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, là điều kiện để giữ vững an ninh biên giới, tăng cường quan hệ ngoại giao với các cộng đồng dân cư nước bạn Lào...
Nhờ làm tốt công tác XDNTM kết hợp với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Quan Sơn từng bước được nâng lên. Năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 63%. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là giải quyết việc làm, tạo nguồn nhân lực trong xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là điều kiện để huyện Quan Sơn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2025.
Triều NguyệtNgày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.