Xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở Thiệu Hóa: Bài học từ sức mạnh "cộng sinh"
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XD NTM) luôn là một hành trình liên tục, xuyên suốt. Muốn đạt được hiệu quả thì phải phát huy tối đa vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của cấp ủy, chính quyền; phải tổng hợp, khơi thức được sức dân, nâng cao quy chế dân chủ trong công tác xây dựng. Khi "ý Đảng", "lòng dân" cùng chung một nhịp sẽ tạo nên sức mạnh cộng sinh, giúp phong trào XD NTM vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gặt hái thành công.
Đảng dẫn đường, cán bộ sát thực tiễn, khơi thức sức dân
Năm 2011, khi bắt tay vào XD NTM, thu nhập bình quân đầu người của huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) mới đạt 11,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 21,67%, bình quân số tiêu chí chỉ đạt 5,7 tiêu chí/xã, trong đó phần lớn các tiêu chí chưa đạt là các tiêu chí thuộc nhóm cơ sở hạ tầng, cần nhiều vốn để thực hiện.
Tuy nhiên, sau 10 năm nỗ lực, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, huyện Thiệu Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Kết quả của phong trào XD NTM đã làm bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại, kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân toàn huyện được nâng lên rõ rệt.
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn và để "con thuyền" XD NTM không bị gián đoạn, huyện Thiệu Hóa đã chuyển trọng tâm sang XD NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị văn minh, nhất quán quan điểm XD NTM là quá trình thường xuyên, liên tục.
Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo XD NTM huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng cấp xã gắn với đô thị hóa, bền vững, hiện đại. Cán bộ phải là người áp sát, lăn xả với công việc, có chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cấp cơ sở.
Đồng thời, ban hành các cơ chế, kích cầu, hỗ trợ khuyến khích các địa phương đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, liên kết sản xuất, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Phát động các phong trào: "Nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh"; phong trào "Phụ nữ với mô hình tham gia phân loại rác thải tại hộ gia đình"; phong trào "Vận động lắp đặt điểm luyện tập thể thao kết hợp sân vui chơi cho thiếu nhi"...
Đến nay, huyện đạt 6/9 tiêu chí huyện NTM và 4/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao, bình quân các tiêu chí xã NTM nâng cao đạt 13,3/19 tiêu chí/xã; thị trấn Thiệu Hóa đạt 6/9 tiêu chí đô thị văn minh; có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (xã Thiệu Trung); 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (Thiệu Trung, Thiệu Nguyên, Thiệu Long, Thiệu Phú, Minh Tâm), 28 thôn NTM kiểu mẫu; được công nhận thêm 9 sản phẩm OCOP 3 sao nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 22 sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện huy động được 120.523 triệu đồng. 100% các xã, thị trấn đều đã có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thể thao, có đầy đủ trang thiết bị và được sử dụng đúng mục đích.
Bên cạnh đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng; toàn huyện có 638,4 ha đất đai tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, 15 vùng sản xuất rau an toàn, 10,6 ha nhà màng, nhà lưới đem lại giá trị kinh tế cao; chăn nuôi chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hướng an toàn đảm bảo môi trường, giá trị trong chăn nuôi chiếm 45,2% trong ngành nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 55,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 1,33%.
Nhằm giúp bà con ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất, huyện tích cực khuyến khích, hỗ trợ phương tiện vận chuyển, liên hệ thuê gian hàng... cho các đơn vị khi tham gia giới thiệu, chưng bày sản phẩm OCOP của mình tại hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, trực tiếp kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị để đưa các sản phẩm OCOP của huyện vào bày bán, quảng bá... Sắp tới, 6 sản phẩm OCOP của huyện sẽ được đưa vào bán tại Trung tâm thương mại City huyện Thiệu Hóa.
Nhân dân đồng lòng "thắp lửa"
Xác định XD NTM là Nhà nước và nhân dân cùng làm, việc phát huy và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở chính là chìa khóa thành công trong quá trình triển khai thực hiện chương trình này. Vì vậy, bên cạnh vận dụng linh hoạt các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, huyện Thiệu Hóa đã tập trung huy động tốt nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn theo đúng phương châm "lấy sức dân để lo cho dân" "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng".
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đều sẵn lòng chung tay, góp sức thực hiện. Không ít hộ gia đình ngoài tự nguyện đóng góp theo mức chung còn ủng hộ thêm tiền mặt, ngày công hoặc hạng mục công trình, nâng tổng số tiền huy động được lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều gia đình sẵn sàng hiến đất hoặc tự nguyện phá dỡ cổng, sân nhà... để tạo thêm quỹ đất, giúp cho việc xây dựng các công trình công cộng được dễ dàng, thuận lợi.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện có thêm 767 hộ dân hiến 15.129 m2 đất điển hình như các xã Thiệu Hợp, Thiệu Lý, Thiệu Toán, Thiệu Nguyên... Trong đó, xã Thiệu Hợp có 126 hộ hiến 1.322 m2 đất, góp 1.560 triệu đồng, 1.630 ngày công lao động, làm được 397m đường bê tông... Thảm nhựa Asphal là 12,8km, đổ được 28,1km đường bê tông, xây dựng, nâng cấp 91,6km tường rào mẫu, sửa chữa 18,8km rãnh thoát nước. Đồng thời, di chuyển được 89 cột điện, xây mới 23 nhà văn hóa, mua thêm 18.234 thùng đựng rác tải theo quy định nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn.
Quyền làm chủ của người dân được phát huy nên việc huy động đóng góp cũng trở nên thuận lợi hơn. Nhờ khơi thức được sức dân, xã Thiệu Long đã huy động được 321.429 triệu đồng xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp 284.396 triệu đồng (chiếm 88,48%) và góp hàng nghìn ngày công, hiến trên 6.000m2 đất. Trong đó, toàn xã Thiệu Long có 21 doanh nghiệp, gần 400 hộ kinh doanh cá thể; 30 trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm tinh dầu bạch đàn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Kinh tế phát triển tạo điều kiện nâng cao đời sống cho người dân, bình quân thu nhập đầu người đạt 58,49 triệu đồng/năm...
Năm 2022, xã Thiệu Long đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Từ đó, xã phấn đấu được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2023.
Về Thiệu Viên ngày nay, chứng kiến tinh thần XD NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của bà con, chúng tôi cảm thấy phấn khởi, niềm vui như được nhân lên, lan tỏa. Hiện nay, 100% các tuyến đường liên thôn và đường ngõ xóm đã được bê tông hóa. Trước kia đường sá đi lại khó khăn, đèn điện công cộng không có. Được bà con tự nguyện, tài trợ đóng góp lắp đặt hệ thống bóng đèn, ánh đèn điện đã soi sáng khắp các nẻo đường, vừa thuận lợi cho việc đi lại, vừa là đảm bảo an ninh thôn xóm.
Với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhân dân trong xã đã và đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 46,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,6%.
Điển hình tiêu biểu về đầu tư, xây dựng đường điện cao áp công cộng tại thôn Đồng Bào, xã Minh Tâm, tại ngõ dân cư giáp ranh giữa cụm 2 và cụm 3, UBND thôn đã tự vận động người dân ủng hộ làm tuyến đường điện cao áp bằng năng lượng mặt trời, có chiều dài gần 300m, lắp 10 cột điện cao áp. Riêng hộ anh Nguyễn Tuấn Anh tài trợ 10 bộ bóng đèn cao áp trị giá 24,3 triệu đồng, hộ ông Nguyễn Văn Chung hỗ trợ thôn làm tuyến đường kiểu mẫu 30 triệu đồng...
Ông Nguyễn Văn Biện, Bí thư Huyện ủy - Trưởng Ban chỉ đạo XD NTM huyện Thiệu Hóa cho biết: Yếu tố quyết định sự thành công trong XD NTM là nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tiên phong, sát thực tiễn, trưởng thành, gắn bó với dân của đội ngũ cán bộ và sự đồng thuận của người dân tích cực, chủ động tham gia đóng góp.
Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh: Quan điểm của huyện là người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở phải làm tốt công tác định hướng, dẫn dắt, để thực hiện đúng, trúng nhiệm vụ đề ra; phải luôn đặt trong tâm thế làm thực chất, thụ hưởng thực chất, hiệu quả bền vững, đưa mức sống của người dân tiệm cận với mức sống ở đô thị, tuyệt đối không chạy theo bệnh thành tích. Điều căn cốt nhất là xây dựng đời sống ấm no cho dân. Có thể nói, NTM đã mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho bức tranh nông thôn.
Yến HoàngTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.