Xây dựng quy định mới về xuất xứ hàng hoá để ngăn ngừa gian lận thương mại

Chính sách
07:57 AM 13/07/2025

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa nhằm thúc đẩy xuất khẩu và ngăn ngừa gian lận thương mại.

Dự thảo lần này mở rộng phạm vi điều chỉnh và cập nhật nhiều khái niệm, tiêu chí mới. Điển hình, lần đầu tiên các thuật ngữ như "hàng hóa không thay đổi xuất xứ", "chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa giáp lưng", "vật liệu giống nhau và có thể thay thế cho nhau" được quy định rõ.

Xây dựng quy định mới về xuất xứ hàng hoá để ngăn ngừa gian lận thương mại- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Dự thảo Nghị định cũng phân định giữa hàng hóa "thuần túy" và "không thuần túy". Hàng hóa thuần túy là hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại một nước, ví dụ như khoáng sản, cây trồng... Các tiêu chí này được quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là với thủy sản đánh bắt ngoài vùng biển quốc gia. Hàng hóa không thuần túy sẽ phải đáp ứng tiêu chí kỹ thuật, như chuyển đổi mã số HS, tỷ lệ giá trị nội địa.

Dự thảo bổ sung và chi tiết hóa các quy định về: Tự chứng nhận xuất xứ: Quy định đầy đủ về điều kiện, thủ tục, trách nhiệm và cơ chế kiểm tra đối với thương nhân tự chứng nhận xuất xứ. Điều này nhằm tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn khi thực hiện các cam kết Hiệp định thương mại tự do như EVFTA (Việt Nam - EU), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Đặc biệt, C/O giáp lưng (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền trong các quốc gia FTA) và hàng hóa không thay đổi xuất xứ là hai khái niệm mới. Điều này phản ánh thực tế hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam, và được quy định rõ các trường hợp được cấp C/O này, nhằm đảm bảo tính liền mạch của chuỗi cung ứng quốc tế mà không làm phát sinh gian lận.

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc quy định thế nào là một sản phẩm được coi là có xuất xứ tại Việt Nam. Tuy nhiên, với hàng hóa lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định nào để xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, gây khó cho các doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý. Chẳng hạn, Samsung là thương hiệu của Hàn Quốc, song họ đặt nhà máy gia công tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa đây là sản phẩm điện thoại của Hàn Quốc, chứ không phải điện thoại của Việt Nam.

Bà Hiền cho biết, xét quy định liên quan đến bộ tiêu chí xuất xứ mà Việt Nam tham gia trong khuôn khổ các FTA, điện thoại Samsung được sản xuất tại Việt Nam từ những linh kiện được sản xuất tại Việt Nam hoặc linh kiện nhập khẩu từ các nước. Sau khi trải qua quá trình gia công, chế biến đầy đủ tại Việt Nam, biến đổi bản chất, những linh kiện đó trở thành sản phẩm điện thoại cuối cùng.

Theo bà Hiền, nơi làm ra sự thay đổi về mặt bản chất, từ linh kiện đến điện thoại, được xác định là nơi xuất xứ của hàng hóa. Do đó, cần phân biệt rõ khái niệm hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam, có giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam theo các khuôn khổ hiệp định mà Việt Nam tham gia. Thể hiện rõ với các khái niệm ghi nhãn "Made in Vietnam", "Product of Vietnam" hay các khái niệm liên quan đến việc là hàng Việt Nam hay hàng Hàn Quốc.

Nam Dương (T/h)
Ý kiến của bạn
Độc đáo Lễ hội Xòe Bản Mây tại Fansipan, Sa Pa Độc đáo Lễ hội Xòe Bản Mây tại Fansipan, Sa Pa

Từ 12/7 đến hết 27/7, Lễ hội Xòe sẽ được tổ chức tại Bản Mây, khu du lịch Sun World Fansipan Legend, mở ra một không gian độc đáo và thú vị để du khách được sống trong văn hóa đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc.