Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vấn đề cấp bách

Chính sách
08:36 AM 24/01/2025

Nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt đã và đang trở thành vấn đề vô cùng cấp bách, nếu không có hành lang pháp lý, khó có thể sớm thúc đẩy hoạt động này.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm quy định các cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù đối với phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vấn đề cấp bách- Ảnh 1.

Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang là một trong những nông sản thành công khi bán qua sàn TMĐT nhờ xây dựng và làm tốt thương hiệu sản phẩm. Ảnh: Kinh tế Sài Gòn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng trong sản xuất, chế biến và chứng nhận sản phẩm đạt nhãn hiệu nông sản quốc gia giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng, được chứng nhận và cam kết truy xuất được nguồn gốc, là cơ sở để phát triển thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản.

Nghị định sẽ tạo ra một khung pháp lý hoàn chỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình; đảm bảo thị trường minh bạch, lành mạnh; tăng cường truyền thông quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trước hết, mỗi loại sản phẩm cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, minh bạch, giám sát được, không chỉ qua tích tụ đất đai mà bằng liên kết các nông hộ.

Liên kết chặt chẽ vùng trồng với doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để bảo đảm sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu. Song song với đó, tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng, góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Góp ý về dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bảo hộ nhãn hiệu chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể quá trình phát triển thương hiệu nông sản. Để phát triển thương hiệu nông sản đòi hỏi các yếu tố: Sản phẩm đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng; khả năng thâm nhập vào các kênh phân phối trong nước và nước ngoài; phát triển bộ nhận diện thương hiệu và câu chuyện thương hiệu phù hợp.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số chính sách hỗ trợ cụ thể. Đó là chính sách hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội chuẩn hoá quy trình sản xuất, chế biến. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, phát triển bộ nhận diện thương hiệu. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các khoá học nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các khoá học nâng cao năng lực kinh doanh, quảng cáo trên thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng một thương hiệu nông sản (quốc gia hay địa phương) cũng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để đạt hiệu quả tối ưu với mục tiêu cuối cùng là thương hiệu nông sản đó phổ biến, có thể nhận diện và mang lại giá trị kinh tế. 

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn