Xây dựng "thương hiệu xanh" cho hàng Việt

Kinh doanh
07:59 AM 30/06/2024

Ngành bán lẻ được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng cũng vô cùng cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp Việt, hàng Việt không ngừng nỗ lực cải tiến sản phẩm trên “đường đua” xanh hóa thương hiệu.

Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam đang có quy mô thị trường bán 142 tỷ USD và dự báo có thể tăng 350 tỷ USD vào năm 2025.

Xây dựng "thương hiệu xanh" cho hàng Việt- Ảnh 1.

Xây dựng "thương hiệu xanh" cho hàng Việt. Ảnh: TTXVN

Ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng cũng vô cùng cạnh tranh và đòi hỏi doanh nghiệp Việt, hàng Việt không ngừng nỗ lực cải tiến sản phẩm trên “đường đua” xanh hóa thương hiệu và hướng đến thương hiệu bền vững, nhằm giữ vững sân nhà và vươn ra thị trường xuất khẩu.

Tại hội thảo "Thương hiệu - Nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt" mới đây, theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, với sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong việc không ngừng cải thiện, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, cùng sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước, nhất là sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tǎng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Đồng thời, thông qua những hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, không ít ngành hàng của Việt Nam đã và đang mạnh dạn bước ra thế giới, tạo vị thế vững chắc tại nhiều thị trường lớn trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm với những kết quả tích cực, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (lên đến 102%) trong giai đoạn 5 năm từ 2019-2023.

Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 498 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và xếp thứ 33/121 quốc gia được đánh giá.

Tuy nhiên, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Secoin, cho biết hàng Việt Nam khi ra thế giới, người ta quan tâm đến sản phẩm Việt Nam, chứ không quan tâm đến từng thương hiệu, đó chính là yếu tố thương hiệu quốc gia. Vì vậy, khi phát triển câu chuyện về thương mại xanh, nếu một doanh nghiệp thực hiện thôi thì không đủ mà phải xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp xanh, để làm sao khi nghĩ đến hàng Việt Nam là nghĩ đến sản phẩm xanh đầu tiên.

Do đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho rằng quá trình chuyển đổi xanh cần thực hiện đồng bộ. Chúng ta cần một rừng xanh, cả một cộng đồng Việt Nam đồng tâm hiệp lực chứ không phải chỉ một vài cây xanh, thì mới cải thiện được hình ảnh sản xuất của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn, cho rằng giải pháp phát triển nội lực “mềm” cho doanh nghiệp trong bối cảnh thương mại xanh nên gắn với thực chất những giải pháp CSR (trách nhiệm của doanh nghiệp), ESG (môi trường-xã hội-quản trị doanh nghiệp), Net-Zero (phát thải ròng bằng 0) trong hệ sinh thái doanh nghiệp để hình thành “câu chuyện” xây dựng thương hiệu.

Mặt khác, quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức như tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên… đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của nhà nước.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Tiếp thị phát triển thị trường Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) chỉ ra rằng bằng cách hướng tới nền kinh tế xanh, doanh nghiệp không chỉ đảm bảo sự bền vững của môi trường, mà còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Đồng thời, thông qua sự hợp tác, nỗ lực chung của các bên, doanh nghiệp mới có thể tạo ra một tương lai xanh và bền vững.

Việc tuân thủ tiêu chuẩn xanh giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản… là những thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm thân thiện với môi trường.

Áp dụng thương mại xanh giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu, tạo niềm tin với khách hàng và điều này dẫn đến sự tăng trưởng sản xuất kinh doanh, cũng như mở rộng thị trường.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn