Xây dựng và phát triển các sản phẩm Ocop
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đánh giá là một trong những đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid- 19, ngay lúc này cần tăng cường vận động xây dựng và phát triển các sản phẩm Ocop đến với người tiêu dùng.
Vấn đề thương hiệu
Hiện nay, các sản phẩm OCOP ngày càng được người tiêu dùng đón nhận. Các địa phương cũng tích cực tham gia các sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn. Nhưng để các sản phẩm này đến với người tiêu dùng hiệu quả, bên cạnh nâng cao chất lượng thì cần phải xây dựng được thương hiệu để tạo sự tin tưởng.
Chị Nguyễn Thu Nga, chủ thương hiệu Bột ngũ cốc Min Min, một trong những sản phẩm đạt 4 sao chia sẻ, ra đời từ năm 2017, đến nay đã bước sang năm thứ 6, tên tuổi của sản phẩm này trên thị trường đã được người tiêu dùng đón nhận và có phân phối tại nhiều cửa hàng, siêu thị. Những ngày bắt đầu vào khởi nghiệp chị gặp nhiều khó khăn về vốn và cơ sở vật chất, cũng như nguồn nhân lực… Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, đầu tư thêm máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại, sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn với chất lượng cao.
Sản phẩm bột ngũ cốc Min Min đã được chứng nhận ISO 22000 - 2018, đặc biệt năm 2020, sản phẩm đã được UBND TP. Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Theo chị Nga, từ khi sản phẩm được công nhận OCOP, khách hàng đã tìm đến nhiều hơn. Điều này đem lại sự tự tin và khách hàng cũng tin tưởng sản phẩm nhiều hơn và dễ dàng đón nhận. Hiện tại cơ sở mới có một sản phẩm đạt OCOP 4 sao và đang có thêm một sản phẩm đang được xét duyệt trong đợt năm 2022.
Theo đánh giá chung của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, đa phần các sản phẩm OCOP của tỉnh ta có đặc điểm chung là sản xuất đại trà, quy mô hộ cá thể, thị trường hẹp, hệ thống đóng gói, bao bì, nhãn mác chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, các sản phẩm này vẫn cần được nâng cao hơn nữa về chất lượng, quản lý sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, ứng dụng KH và CN vào khâu chế biến, cải thiện bao bì, tổ chức các mô hình liên kết sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây là một trong những trở ngại lớn cho các doanh nghiệp, cơ sở khi tham gia vào các hệ thống phân phối hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường về chất lượng và hình thức hạn chế khả năng mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm; giá trị sản phẩm chưa được nâng cao và quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế của người sản xuất chưa được đảm bảo.
Mở rộng thêm các hội chợ
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA), Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất cả nước với 1.649 sản phẩm, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng), 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.
Để các sản phẩm này đến với người tiêu dùng hiệu quả, bên cạnh nâng cao chất lượng thì cần phải xây dựng được thương hiệu để tạo sự tin tưởng. Theo đó, từ nay đến cuối năm, HPA sẽ liên tục tổ chức các hoạt động như: Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022; Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022; Hội chợ Đặc sản vùng miền 2022…
Thực tế cũng cho thấy, hiện nay, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều hạn chế, các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của mỗi vùng miền. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng đầu tư hệ thống sản xuất hợp quy chuẩn theo quy định; được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa.
Việc xây dựng kế hoạch quảng bá thương hiệu, sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong thành công của sản phẩm. Vì vậy, trước mắt cần tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu tại thị trường nội địa, hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đồng thời, có những chiến lược mở rộng phát triển sản phẩm xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, cần chú trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Đây là một trong những công cụ để bảo vệ cho các hoạt động sản xuất, chế biến và thương mại, tổ chức quảng bá và phát triển thương mại sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý. Việc khai thác các thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) giúp các sản phẩm OCOP phát huy được các giá trị, đặc biệt về chất lượng, văn hóa và tổ chức cộng đồng. Đồng thời, góp phần thúc đẩy việc bảo hộ các sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với những thương hiệu mạnh của địa phương.
Minh Đăng
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.