Xây dựng và phát triển thương hiệu: Bệ phóng cho nông sản chủ lực Sơn La vươn xa
Những năm gần đây, cùng với đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, Sơn La đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của mình. Hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh sớm xác định việc xây dựng và phát triển thương hiệu là yếu tố quyết định giá trị của sản phẩm cũng như chỗ đứng và vị thế của sản phẩm trên thị trường.
Theo chia sẻ của ông Lò Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, hiện Sơn La có 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ; 01 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại Thái Lan. Cụ thể, có 03 chỉ dẫn địa lý, bao gồm: Chè Shan tuyết Mộc Châu (năm 2010), quả xoài tròn Yên Châu (năm 2012), cà phê Sơn La (năm 2017); 12 nhãn hiệu được chứng nhận, bao gồm: Chè OLong Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu (năm 2016); cam Phù Yên, nhãn Sông Mã (năm 2017). Năm 2018 có 07 sản phẩm là: chè Phổng Lái Thuận Châu (Sơn La), nếp Mường Và Sốp Cộp (Sơn La), cá tầm Sơn La, cá Sông Đà Sơn La, táo Sơn tra - Sơn La, na Mai Sơn (Sơn La), bơ Mộc Châu (Sơn La). Năm 2019 có thêm sản phẩm là chuối Yên Châu được chứng nhận; 03 nhãn hiệu tập thể, bao gồm: Mật ong Sơn La (năm 2012), chè Tà Xùa Bắc Yên (năm 2014), khoai sọ Thuận Châu (năm 2017).
Cao nguyên Mộc Châu có nhiều điều kiện thuận lợi để trồng cây chè Shan tuyết. Ảnh: Sở VHTTDL Sơn La.
Đặc biệt, sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017. Đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại thị trường nước ngoài, khẳng định thương hiệu chè của Mộc Châu trên thị trường quốc tế. Có thể khẳng định, chè Shan tuyết Mộc Châu được xây dựng và phát triển thương hiệu là một bước phát triển mới cả về chất và lượng. Việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận chè Shan tuyết Mộc Châu đã góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm chè Sơn La trên thị trường, làm tăng giá trị và uy tín của sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay, 18 sản phẩm nông sản nêu trên, sau khi đăng ký thành công thương hiệu, đã được nâng tầm giá trị và thương hiệu, khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường. Để việc bảo vệ và phát huy giá trị thương hiệu, Sơn La đang tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để các sản phẩm chủ lực của tỉnh được tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ xúc tiến thương mại, gắn việc quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu với du lịch canh nông, trải nghiệm. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, để xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, ngoài nỗ lực của hệ thống chính trị địa phương, rất cần sự chung tay của người dân và các doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức, nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị kinh tế, tạo cơ hội quảng bá rộng rãi sản phẩm ra thị trường cả trong và ngoài nước.
Các loại trái cây được cung ứng tại Tuần lễ Nhãn và nông sản Sơn La, đa dạng và đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Sơn La, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực: Chanh leo Sơn La, mận Sơn La, rau an toàn Sơn La, xoài Sơn La, nhãn Sơn La, bơ Sơn La và thanh long Sơn La; rượu Hang Chú (Bắc Yên), gạo Phù Yên; phát triển chỉ dẫn địa lý “Yên Châu” cho sản phẩm quả xoài tròn Yên Châu; tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ sản phẩm nhãn và xoài của tỉnh sang Trung Quốc. Để có thể xây dựng thành công thương hiệu cho các sản phẩm này, tỉnh Sơn La đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm, sản xuất nông sản sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của người dân và các doanh nghiệp trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho nông sản địa phương. Điều này là hết sức cần thiết, bởi ngoài các cơ hội về kinh doanh, thương mại, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản còn có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn, cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của người dân tại địa phương có sản phẩm được đăng ký.
Phạm HồngDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.