Xe buýt mini - Mắt xích quan trọng trong mạng lưới giao thông đô thị

Kinh doanh
03:00 PM 24/06/2025

Các dòng xe buýt mini cho 20 - 26 hành khách đang dần trở thành giải pháp được nhiều đơn vị vận tải lựa chọn cho mô hình giao thông đô thị và du lịch hiện đại.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hạn chế xe cá nhân tại các khu vực trung tâm đô thị như Hà Nội và TP.HCM để giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Song song với đó, tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể - một xu hướng tất yếu để hướng tới phát triển đô thị thông minh và bền vững. Thực tế trong năm 2024, tỷ lệ di chuyển bằng phương tiện công cộng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đã tăng trung bình 12%/năm.

Xe buýt mini - Mắt xích quan trọng trong mạng lưới giao thông đô thị- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước những yêu cầu này, phương tiện cỡ nhỏ nhưng cơ động như xe buýt mini đang nổi lên như một mô hình giao thông phù hợp cho các tuyến đường hẹp, khu phố cổ, khu du lịch sinh thái, sân bay và các khu đô thị vệ tinh.

Trên thế giới, hệ thống xe buýt mini đã được đưa vào khai thác từ lâu. Tại quốc đảo Singapore, người ta đã xây dựng 28 trạm buýt mini trung chuyển với trên 4.500 điểm đỗ, đưa xe buýt trở thành xương sống trong giao thông của đất nước này. Thái Lan, đất nước có hệ thống giao thông khá giống với nước ta, cũng đã xây dựng được hệ thống xe trung chuyển buýt mini. Xe buýt mini của Thái Lan có hình dáng như một xe bán tải, sức chứa từ 10 - 15 hành khách, có thể di chuyển dễ dàng trên các con phố nhỏ, đảm bảo giờ giấc chính xác.

Ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông nhận định, đường sá hiện nay ở các đô thị khá chật hẹp trong khi lượng phương tiện cá nhân vẫn đang gia tăng, khiến cho xe buýt cỡ lớn gặp nhiều khó khăn khi lưu thông. Việc phát triển các tuyến xe buýt cỡ nhỏ sẽ góp phần giảm áp lực giao thông, tăng kết nối giao thông với tuyến đường sắt đô thị.

Được biết, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mở tuyến xe buýt mini để tăng cường kết nối với tuyến metro cho dù hiệu quả về doanh thu có thể chưa hấp dẫn bằng một số tuyến buýt lớn, vận hành trên trục giao thông đông đúc.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải giao thông công cộng Hà Nội, đánh giá: “Dù đô thị phát triển đến đâu thì xe buýt vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng. Đặc biệt, khi các tuyến metro đi vào vận hành thành mạng lưới thì vai trò của xe buýt mini tăng đáng kể, giúp người dân tiếp cận được tối đa dịch vụ xe buýt. Với đặc thù giao thông Thủ đô có nhiều đường nhỏ, phố hẹp, dân cư phân bố mọi nơi thì vai trò của xe buýt mini càng quan trọng, giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận xe buýt đối với người dân. Mini buýt là phương án hiệu quả cho giao thông kết nối của Hà Nội”.

Trước áp lực ngày càng lớn về môi trường và hạ tầng đô thị, các phương tiện cỡ nhỏ, thân thiện như mini buýt đang đóng vai trò thiết thực trong việc nâng cấp hệ thống giao thông công cộng hiện đại. Không chỉ giúp doanh nghiệp vận tải tối ưu chi phí và khả năng vận hành, những dòng xe này còn tạo nên trải nghiệm tốt hơn cho mọi hành khách, đáp ứng mọi nhu cầu di chuyển.

Hệ thống xe buýt mini ra đời phần nào giải được bài toán tiếp cận xe buýt của người dân. Tuy nhiên, lượng khách của một số tuyến xe buýt mini chưa được như kỳ vọng, chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ nội trợ mà chưa thu hút được giới trẻ, đội ngũ nhân viên công sở, văn phòng. Nguyên nhân một phần vì lộ trình một số tuyến chưa phù hợp, đường đi lòng vòng cũng như thông tin kết nối với các tuyến buýt lớn, tàu điện trên cao chưa được phổ biến rộng rãi.

Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhận định: Việc triển khai xe buýt mini cần phải nghiên cứu kỹ lộ trình và phải đảm bảo giờ giấc chính xác. Để xe buýt mini phát huy hiệu quả, cần niêm yết giờ xuất bến tại các điểm dừng, phổ biến thông tin lộ trình rộng rãi và đảm bảo hành lang giao thông khi đi vào các con phố hẹp, nếu để tắc đường, chậm giờ thì xe buýt mini sẽ không phát huy được hiệu quả.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn