'Xe công nghệ muốn công bằng hãy đóng phí nhượng quyền ở sân bay'
"Xe công nghệ muốn có vị trí như taxi truyền thống phải ký hợp đồng nhượng quyền. Không thể không nộp phí nhưng lại muốn bình đẳng được", lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất nói.
3 ngày qua, sân bay Tân Sơn Nhất phân lại làn xe đón khách ở ga quốc nội. Theo quy định mới, xe công nghệ thay vì đón khách tại các làn đường nội bộ A, B, C, D thì phải chờ đón ở tầng cao hơn, hoặc mất thêm 25.000 đồng phí ra vào nhà xe.
Nhiều ý kiến thắc mắc quy định này có là rào cản trong việc cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải hoạt động ở sân bay. PV đã liên hệ lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để làm rõ vấn đề này.
"Không có sự ưu ái"
Trao đổi với PV, ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khẳng định không có sự ưu ái nào ở đây.
Theo lãnh đạo sân bay, tất cả hãng taxi hoặc hãng kinh doanh vận tải muốn tham gia vận chuyển hành khách tại cảng hàng không đều phải tuân thủ Thông tư 17 của Bộ GTVT. Doanh nghiệp có hình thức kinh doanh xe công nghệ như Grab, Be... sẽ phải ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với cảng.
Theo hợp đồng này, đơn vị vận tải sẽ trả chi phí và cảng hàng không sẽ phân bổ vị trí đón khách hợp lý cho đối tác hợp đồng theo quy định Nhà nước.
Về phần xe công nghệ, ông Cường cho rằng doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm người đứng đầu và có xu hướng đùn đẩy khó khăn về khách hàng và tài xế. Theo lãnh đạo cảng, trong khi doanh nghiệp xe công nghệ hoàn toàn có thể ký hợp đồng khai thác trong sân bay để tạo thuận lợi cho hành khách và lái xe, thì dường như họ chưa sẵn sàng cho việc đó.
“Trước khi phương án phân làn được áp dụng, chúng tôi đã phát đi thông báo để tất cả các hãng vận tải có thời gian điều chỉnh hoạt động. Song, phía xe công nghệ không có động thái đăng ký hợp đồng nhượng quyền khai thác. Trái lại, họ dành thời gian đó để hướng dẫn tài xế của họ thích nghi với việc ra vào cảng theo quy định mới”, Phó giám đốc Phạm Vũ Cường cho biết.
Theo lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, quy định phân làn dành cho ôtô được đặt ra trên cơ sở giải quyết ách tắc giao thông cho các đường nội bộ sân bay. Đồng thời, hình thức phân làn này cũng là giải pháp đảm bảo an toàn, trật tự trong phục vụ hành khách.
"Trước khi áp dụng phương án phân làn, chúng tôi đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng từ thực tế để tìm ra nguyên nhân kẹt xe tại đây. Trong khi các hãng taxi ký nhượng quyền phải xếp hàng dài phía ngoài, thì đại bộ phận xe công nghệ đón trả khách bừa bãi. Kể cả quy định dừng chờ trong 3 phút họ cũng không tuân thủ đúng", ông Cường nói và cho rằng đòi hỏi bình đẳng là khi xe công nghệ cũng nộp phí khai thác.
Theo ông Cường, quy định phân làn mới áp dụng kể từ 14/11 nhưng tình trạng tắc nghẽn giao thông các đường nội bộ đã không còn. Sân bay đã thông thoáng dù đón gần 27.000 hành khách hôm 16/11.
Doanh nghiệp xe công nghệ nói gì?
Liên quan hoạt động vận tải hành khách tại sân bay của doanh nghiệp xe công nghệ, PV đã liên hệ phía Công ty TNHH Grab để tìm hiểu doanh nghiệp này phản hồi thế nào trước yêu cầu nhượng quyền khai thác tại Cảng hàng không Tân Sân Nhất.
Theo đại diện của Công ty TNHH Grab, sau khi biết được quy định phân làn từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Grab có gửi công văn cho sân bay tuy nhiên không nhận được phản hồi.
Theo người đại diện Grab, những ngày qua, bộ phận đối ngoại của họ đã làm việc với cảng vụ để sắp xếp buổi làm việc giữa hai bên về quy định phân làn và việc nhượng quyền khai thác.
“Hai bên đã chọn được thời điểm để cùng ngồi lại trao đổi. Chúng tôi sẽ có thông tin sau buổi làm việc”, đại diện Grab nói với PV.
Trước ý kiến của Phó giám đốc Cảng hàng không Tân Sơn Nhất về việc Grab phải nắm được Thông tư 17/2016 liên quan đến nộp phí nhượng quyền khai thác cho cảng, Grab cho rằng có rất nhiều văn bản liên quan, cảng không đưa ra thông báo thì Grab không thể nào biết được để quyết định có nộp phí hay không.
Thư Trần - Hoài ThanhTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.