Xem xét hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhà ở xã hội

Nhịp cầu BĐS
08:20 AM 16/06/2024

Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cho vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhà ở xã hội và khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay này.

Tại họp báo quý II/2024 của Bộ Xây dựng, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản thông tin một số nội dung về việc triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Theo ông Hải, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp tình hình thực tiễn.

Xem xét hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Thương gia

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, tương đương 12% nhu cầu vốn để phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 được triển khai từ ngày 1/4/2023 đến hết năm 2030.

Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn tại các ngân hàng Big4.

Tuy nhiên, dù NHNN đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120 nghìn tỷ đồng nhưng với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà cùng thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) vẫn chưa thực sự thu hút người vay.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, chỉ 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng hơn 640 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 1% gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân gói 120.000 tỷ đồng chưa thu được kết quả tích cực được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tham gia phát triển NOXH chỉ ra là mức lãi vay này còn cao, chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư và người mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn từ gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng với chủ đầu tư lẫn người mua nhà còn quá phức tạp, có doanh nghiệp đi lại cả chục lần vẫn chưa vay được vốn.

Nhiều ý kiến cho rằng, để gói vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư dự án. Cần khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và mở các room tín dụng tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung bố trí quỹ đất, sớm công bố danh mục các dự án để những đối tượng thụ hưởng có thể tiếp cận vốn vay.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động rà soát đối tượng, điều kiện và đăng ký với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để được công bố trong danh sách được hưởng vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn