Xếp hạng thêm 5 di tích quốc gia đặc biệt

Chính sách
08:57 AM 20/01/2025

Với việc bổ sung 5 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biêt, Việt Nam có tổng cộng 144 di tích quốc gia đặc biệt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 17/01/2025 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) đối với 5 di tích. 

Xếp hạng thêm 5 di tích quốc gia đặc biệt- Ảnh 1.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Pô Nagar (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Internet

Các di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt này gồm:

1. Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội).

2. Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Xám (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

3. Di tích lịch sử Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).

4. Di tích lịch sử Cụm di tích Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 (quận Hải An, thành phố Hải Phòng).

5. Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Ponagar (hành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Khu vực bảo vệ dị tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Trong số di tích được xếp hạng lần này, Tháp Bà Ponagar là điểm đến du lịch nổi tiếng khi đến Nha Trang - Khánh Hòa. Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Ponagar cũng là nơi duy nhất trong số các di tích đền, tháp Chăm được người dân tôn thờ, sử dụng đến ngày nay.

Tháp được người Chăm xây dựng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII, để thờ Nữ thần Ponagar là Mẹ Xứ sở của người Chăm, nên tên thường gọi là Tháp Bà Ponagar.

Khu di tích Tháp Bà Ponagar là một quần thể kiến trúc gồm có tháp cổng, Mandapa và khu đền tháp. Tuy nhiên, do biến động của lịch sử, nên hiện nay khu di tích còn lại 5 công trình kiến trúc ở hai mặt bằng là Mandapa và khu đền tháp.

Khu vực Mandapa, có 4 hàng cột lớn hình bát giác, xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ. Khu đền tháp, hiện còn 4 tháp, gồm tháp Đông Bắc hay còn được gọi là tháp chính, Tháp Nam, Tháp Đông Nam, Tháp Tây Bắc.

Hàng năm, từ ngày 20 đến 23/3 Âm lịch, tại di tích Tháp Bà Ponagar diễn ra lễ hội Tháp Bà Ponagar. Năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Ponagar cũng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dịp này, hàng ngàn bà người Chăm từ khắp mọi miền đất nước, như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định… về đây hành lễ.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn