Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp giúp quản trị rủi ro, phát triển bền vững thị trường vốn
Theo các chuyên gia, xếp hạng tín nhiệm (XHTN) không chỉ đóng góp cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà còn góp phần hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong hoạt động quản trị rủi ro, hướng theo thông lệ quốc tế và góp phần phát triển bền vững thị trường vốn Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo "Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ("VNBA") phối hợp với Công ty Cổ phần FiinRatings ("FiinRatings") và S&P Global Ratings tổ chức vào sáng 25/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, qua đó thúc đẩy các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững hơn.
"Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc XHTN còn hạn chế, chưa trở thành quy định bắt buộc như kiểm toán độc lập", ông Hùng nhấn mạnh và cho biết thêm, xếp hạng tín nhiệm đối với các TCTD cũng như doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng cũng như sản xuất kinh doanh.
Ông Ritesh Maheshwari - Giám đốc điều hành, Phụ trách khu vực Đông Nam Á, S&P Global Ratings cho rằng, phát triển thị trường trái phiếu là yếu tố quan trọng để có thể phân bổ nguồn vốn hiệu quả.
"Xếp hạng tín nhiệm và đánh giá về các tổ chức phát hành kết hợp phân tích so sánh với các doanh nghiệp tương đồng cũng như các tài sản khác, có thể giúp quá trình đưa ra quyết định của nhà đầu tư tốt hơn. Minh bạch thông tin trên thị trường trái phiếu cũng cung cấp thêm các thông tin cần thiết đến nhà đầu tư, giúp cải thiện các quyết định tín dụng và góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia. Ngân hàng có thể sử dụng xếp hạng tín nhiệm để đánh giá các đối tác", ông Ritesh Maheshwari nói.
Các chuyên gia trong hội thảo nhận định, XHTN doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong việc cung cấp thêm thông tin làm cơ sở đánh giá và quản trị rủi ro cho hoạt động cấp tín dụng. Cụ thể, các tổ chức tín dụng và ngân hàng sẽ có thêm thông tin đầy đủ để thẩm định tình hình tài chính, khả năng trả nợ cũng như các rủi ro của doanh nghiệp được XHTN độc lập trong công tác quản trị rủi ro tín dụng và đầu tư vào các công cụ nợ.
Theo đại diện của FinnRatings, công ty đã thực hiện xếp hạng lần đầu, duy trì theo dõi tín nhiệm hoặc đánh giá tín dụng với gần 40 doanh nghiệp Việt Nam, phân bổ ở các ngành khác nhau. Hiện nay, trên thị trường còn thiếu thông tin đánh giá về nhãn hàng có khả năng so sánh tương đối về chất lượng tín dụng.
Thị trường còn thiếu sự đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, thiếu sự chuẩn hóa thông tin và đường cong lãi suất tham chiếu để định giá lãi suất. Bởi vậy, cần chuẩn hóa cung cấp công cụ đầu tư cho các nhà đầu tư tổ chức.
Các tổ chức tài chính cần thêm thông tin phân tích lợi nhuận và rủi ro của các loại tài sản tài chính, đặc biệt đối với trái phiếu doanh nghiệp để xây dựng các nguyên lý quản trị danh mục đầu tư. Ví dụ, đối với chiến lược phân bổ tài sản (SAA - Strategic Asset Allocation), tập trung vào đầu tư dài hạn và đặt ra mục tiêu phân bổ cho các loại tài sản dựa trên khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Cùng với đó, cần bổ sung công cụ và hạ tầng quan trọng để thu hút nhà đầu tư tổ chức. Thị trường đang thiếu sự chuẩn hóa thông tin và một hệ tham chiếu về tương quan giữa mức xếp hạng tín nhiệm và rủi ro vỡ nợ. Các thông tin về rủi ro liên quan tới các tổ chức phát hành trái phiếu chưa đầy đủ và rõ ràng, dẫn đến thiếu điều kiện xác định rủi ro tín dụng của tổ chức phát hành và rủi ro tín dụng của trái phiếu.
"Thiếu thông tin rủi ro tín dụng dẫn đến hạn chế trong khả năng xác định tỷ lệ lợi tức yêu cầu của trái phiếu. Thiếu phân tích về độ biến động của và sự tương quan của chênh lệch lợi suất giữa các tài sản tạo ra khó khăn cho việc quản lý rủi ro tập trung. Thiếu thông tin về tính chính xác của dự báo trong quá khứ, hạn chế việc đưa ra một hệ tham chiếu được chuẩn hóa", đại diện cho FinnRatings nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng, nhu cầu đầu tư dài hạn rất lớn trong khi Việt Nam thiếu một cơ chế cho người dân, doanh nghiệp đầu tư dài hạn. Tiền của người dân, doanh nghiệp chủ yếu gửi ngân hàng, thậm chí các công ty bảo hiểm cũng chủ yếu là gửi tiền ngân hàng và mua trái phiếu chính phủ với lợi tức 3%.
Cũng theo ông Thuân, để thị trường phát triển cần có niềm tin. Khi nhà đầu tư tiêu tiền cần niềm tin và đòi hỏi có sự minh bạch. Do vậy, doanh nghiệp cần chủ động minh bạch hồ sơ trên thị trường vốn để đa dạng hóa nguồn vốn. Và xếp hạng tín nhiệm độc lập, chủ động minh bạch hồ sơ sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, không chỉ là ngân hàng hay các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức…
Việc áp dụng XHTN đối với việc phát triển thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng tại Việt Nam sẽ góp phần khuyến khích kênh đầu tư dài hạn tại Việt Nam và mở rộng cơ sở nhà đầu tư vốn hiện nay còn chưa có sự tham gia sâu rộng bởi các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, và các định chế tài chính trong và ngoài nước.
Phân loại đánh giá trái phiếu với các mức độ XHTN khác nhau sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong việc quản trị danh mục đầu tư theo mức độ XHTN tùy theo khẩu vị rủi ro và mức độ an toàn tùy theo mô hình hoạt động của định chế đầu tư. Thông lệ quốc tế được chia sẻ tại Hội thảo bởi các diễn giả cho rằng các quỹ đầu tư mang tính đại chúng hoặc quỹ đầu tư bảo hiểm hoặc quỹ hưu trí nên ưu tiên đầu tư vào các trái phiếu được xếp hạng ở mức có tính đầu tư (Investment Grade) hoặc ở một tỷ lệ nhất định. Thông lệ này đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng trao đổi về năng lực của các tổ chức XHTN hiện nay và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhà đầu tư cũng như những thay đổi chính sách nhằm xây dựng thông lệ XHTN tại Việt nam cũng như hoạt động giám sát chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ XHTN trên thị trường.
Hội thảo thêm cung cấp góc nhìn đa chiều về XHTN độc lập từ thông lệ quốc tế, thực tiễn tại Việt Nam, cũng như kinh nghiệm và hiệu quả triển khai tại các nước. XHTN đã trở thành thông lệ quốc tế và được áp dụng tại nhiều nước trong khu vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường vốn.
Hiện chỉ có 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm được cấp phép tại Việt Nam là FiinRatings, VIS Rating và Saigon Ratings.
Nhật HàViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.