Xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 diện rộng khu vực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Sáng nay 3/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp với lực lượng y tế quận đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng cho người trong khu vực bị phong tỏa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và những vùng có nguy cơ cao ở khu vực lân cận.
Việc tầm soát SARS-CoV-2 trên diện rộng là chiến thuật quan trọng trong lúc này nhằm giúp quận Hoàn Kiếm phát hiện và bóc tách bằng được F0 ra khỏi cộng đồng, tiến tới nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh tại điểm "nóng" Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sớm đưa khu vực này trở lại trạng thái bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của TP Hà Nội và Chính phủ.
Trong thời gian xét nghiệm sàng lọc diện rộng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường chốt chặn, kiểm soát địa bàn; đồng thời, tổ chức các lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Theo ghi nhận của phóng viên, để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã thực hiện bố trí địa điểm lấy mẫu khoa học, đảm bảo đúng chuyên môn nghiệp vụ. Các lực lượng điều phối đã sắp xếp thứ tự lấy mẫu, hạn chế tối đa nhiều người tham gia lấy mẫu cùng một thời điểm. Người dân đã tuân thủ nguyên tắc 5K trong quá trình chờ lấy mẫu.
Việc xét nghiệm diện rộng lần này được nhận định sẽ giúp quận Hoàn Kiếm đánh giá được nguy cơ dịch đang ở mức độ nào, để từ đó đưa ra các biện pháp đáp ứng một cách hợp lý nhất. Qua xét nghiệm, sẽ giúp Hà Nội nắm bắt được thông tin tối thiểu về ai đang nhiễm, ai không nhiễm. Tiếp theo đó, sẽ có các giải pháp kéo giảm được tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, có thêm thời gian để tiến hành bao phủ vắc xin cho người dân.
Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, sau khi phát hiện ca bệnh là người nhà vào chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (40 Tràng Thi, Hàng Bông, Hoàn Kiếm), UBND quận đã chỉ đạo Trung tâm Y tế quận phối hợp với CDC Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phong tỏa và phun khử khuẩn toàn bộ tòa nhà D của bệnh viện.
Ngoài ra, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo UBND phường Hàng Trống đóng cửa các cửa hàng dọc phố Phủ Doãn (đoạn từ phố Hàng Bông đến phố Tràng Thi). Đồng thời, thành phố tạm thời phong tỏa, điều tra các hộ dân và cơ sở kinh doanh trên đoạn phố này để lấy mẫu xét nghiệm.
Trước đó, chiều 30/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phát hiện 01 ca dương tính SARS-CoV-2. Đó là P.Đ.T., nam, sinh năm 1972, địa chỉ tại xóm 6, Mỹ Hòa, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Bệnh nhân là người nhà vào chăm sóc bệnh nhân điều trị tại khoa Ung Bướu - Bệnh viện Việt Đức từ ngày 19/9, khi vào có test kháng nguyên âm tính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 29/9, Bệnh viện Việt Đức xét nghiệm PCR trước khi ra viện, kết quả nghi ngờ, sau đó được CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định dương tính. Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, tòa nhà D - Bệnh viện Việt Đức được tạm thời phong tỏa, lấy mẫu toàn bộ người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế trong tòa nhà, khoảng 1.400 người. Qua điều tra, bước đầu xác định có 91 F1 liên quan trực tiếp đến bệnh nhân này.
Tối 29/9, Hà Nội phát hiện thêm 01 F0 là nhân viên hàng cơm ở phố Phủ Doãn, gần Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đến trưa ngày 3/10, liên quan tới Bệnh viện này, đã có 31 trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận ở Hà Nội và một số tỉnh thành như: Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định... Trong đó, Hà Nội ghi nhận 25 ca, phân bố tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm (15), Hà Đông (02), Sóc Sơn (02), Thanh Trì (02), Ba Đình (01), Quốc Oai (01), Thanh Oai (01), Bắc Từ Liêm (01).
Qua việc phát hiện chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức lần này, cần thấy rằng, trong tình hình phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện, cần phải kiểm soát chặt chẽ việc người nhà bệnh nhân ra/vào, thực hiện việc mua sắm ở ngoài, bởi họ là đối tượng có thể tiềm ẩn nguy cơ mang mầm bệnh vào bên trong bệnh viện.
Các cơ sở y tế/bệnh viện cần có biện pháp hạn chế người nhà ở lại chăm sóc bệnh nhân và phải có quy định rất chặt chẽ với những người chăm sóc đó. Đồng thời, cần có giải pháp đảm bảo tốt nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cơ bản của bệnh nhân và người nhà trong viện, để tránh việc người trong viện đi ra bên ngoài, tránh nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh lây từ bên ngoài.
Nguyễn HạnhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.