Xét tuyển Đại học 2022: Thêm phương thức, tăng cơ hội

Giáo dục
02:37 PM 04/01/2022

Thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục Đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2022. Theo đó, sẽ có thêm phương thức tuyển sinh để tăng cơ hội, tạo thuận lợi cho học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là giải pháp, cũng là mục tiêu của các đơn vị.

Sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm

Nếu như những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì năm 2022, nhiều đơn vị bổ sung phương thức mới. Vì vậy, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ giảm.

Xét tuyển Đại học 2022: Thêm phương thức, tăng cơ hội - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông - Vận tải cho biết, năm 2022, nhà trường duy trì 4 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét học bạ; xét tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra, nhà trường bổ sung phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. So với năm 2021, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm khoảng 30%.

Để tạo thuận lợi nhất cho học sinh, mới đây, 7 trường đại học ở Hà Nội, gồm: Bách khoa Hà Nội, Công nghệ Giao thông - Vận tải, Giao thông - Vận tải, Mỏ - Địa chất, Thăng Long, Thủy lợi, Xây dựng Hà Nội đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác tham gia tổ chức và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, phương châm tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy là gọn nhẹ, chỉ thi trong 1 ngày. Ngoài địa điểm thi tại Hà Nội, kỳ thi dự kiến được tổ chức tại một số địa phương, như: Hải Phòng, Phú Thọ, Nghệ An... Có khoảng 60-70% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, nên chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ giảm còn 10-20%...

Đa dạng phương thức tuyển sinh

Cũng trong năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sẽ được thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tuyển sinh theo đề án của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức xét tuyển.

Xét tuyển Đại học 2022: Thêm phương thức, tăng cơ hội - Ảnh 2.

Học sinh cần nắm rõ những điểm mới trong phương thức tuyển sinh đại học năm 2022 để chủ động chuẩn bị, có định hướng ôn tập hiệu quả. Ảnh: Hải Anh

Với tinh thần tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh đang diễn ra ở nhiều trường đại học lớn trên cả nước.

Theo đó, năm 2022, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ bổ sung thêm phương thức tuyển sinh mới là xét kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn.

Các phương thức tuyển sinh được nhà trường tiếp tục sử dụng là tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022; xét chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài, xét học lực kết hợp phỏng vấn.

Trong đề án tuyển sinh năm 2022, đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM được thay đổi gồm các thí sinh đạt giải đặc biệt, giải 1, 2, 3 kỳ thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam/Olympic phần mềm mã nguồn mở (Procon) năm 2020, 2021; thí sinh đạt giải đặc biệt, giải 1, 2, 3 kỳ thi "Lập trình Châu Á - ICPC Asia" (cấp quốc gia) năm 2020, 2021; thí sinh đạt giải 1, 2, 3 từ kỳ thi tháng trở lên của "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2020, 2021; và thí sinh đạt huy chương vàng/bạc/đồng ở các giải thể thao quốc tế chính thức với điểm trung bình kết quả học tập THPT các môn trong tổ hợp xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 7 điểm.

Năm 2022, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng bổ sung thêm phương thức tuyển sinh ưu tiên xét tuyển thí sinh là thành viên thuộc đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố; xét tuyển thí sinh đạt thành tích cao trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao... Bên cạnh đó, nhà trường còn xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Các phương thức tuyển sinh còn lại của trường là ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài.

Tăng cơ hội, giảm áp lực

Với sự điều chỉnh phương thức tuyển sinh năm 2022 của nhiều cơ sở giáo dục đại học, học sinh lớp 12 có thêm cơ hội trúng tuyển, song cũng cần nắm chắc những quy định liên quan để chủ động chuẩn bị, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Xét tuyển Đại học 2022: Thêm phương thức, tăng cơ hội - Ảnh 3.

Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tháng 4-2021. Ảnh: Hải Anh

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin, từ tháng 2 đến tháng 8-2022, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức khoảng 7-8 đợt thi đánh giá năng lực tại nhiều địa phương: Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định... Học sinh có thể thử sức ở nhiều đợt cho đến khi đạt. Các em có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để đăng ký xét tuyển vào nhiều cơ sở giáo dục đại học. Thời gian đăng ký tham dự kỳ thi từ tháng 1-2022, tại địa chỉ: khaothi.vnu.edu.vn. Hiện có gần 50 trường, học viện, khoa sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển.

Đề cập đến vấn đề thi và tuyển sinh năm 2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục thực hiện quyền tự chủ. Bộ khuyến cáo các trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung. Còn các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường, nhóm trường đại học có đủ điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển và chia sẻ, hỗ trợ trường khác có nhu cầu.

“Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục trung học phổ thông hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; không bao gồm các nội dung được tinh giản nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch COVID-19. Nhằm giúp giáo viên, học sinh có định hướng dạy, học, ôn tập hiệu quả, Bộ đang tổ chức xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi và sẽ công bố đề thi tham khảo của kỳ thi này”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn