Xét xử đại án BIDV: Dàn lãnh đạo ngân hàng khai bị ông Trần Bắc Hà ép ký
Ông Trần Bắc Hà được xác định là người chỉ đạo xuyên suốt việc tiếp nhận, thẩm định cho vay và giải ngân gây thất thoát, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Ngày 26/10, TAND Hà Nội đưa 12 bị cáo liên quan vụ BIDV thất thoát 1.670 tỷ đồng ra xét xử sơ thẩm. HĐXX làm việc 10 ngày liên tục. Thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa. Ba nữ kiểm sát viên của VKSND Hà Nội đồng giữ quyền công tố. Hơn 40 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan. Bị hại trong vụ án được xác định là BIDV.
Luật sư cung cấp chứng cứ mới
Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Luật sư Trần Minh Hải, bào chữa cho bị cáo Trần Lục Lang, cựu Phó tổng giám đốc BIDV cung cấp chứng cứ mới. Theo đó, ngày 12/10/2020, luật sư Hải có gửi văn bản tới BIDV đề nghị thu thập chứng cứ và hoạt động kinh doanh Công ty Bình Hà. Sau đó BIDV có văn bản phúc đáp trong đó có nhiều thông tin mà Luật sư Hải cho rằng cần xem xét tại phiên tòa.
Cụ thể, Dự án nuôi bò của CTCP Bình Hà đã tái cơ cấu, Công ty đã hoạt động lại, có 50 ha xây dựng trồng mới, việc tái cơ cấu đã đem lại kết quả, có dòng vốn, có chứng từ, tiền chuyển về tài khoản của CTCP Bình Hà mở tại BIDV. Đây là thông tin mới có thể tác động đến quá trình giải quyết vụ án, do đó, Luật sư Trần Minh Hải trình Tòa văn bản này để xem xét trong quá trình xét xử.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, Tòa án đã triệu tập đúng thủ tục nhưng có một số người đại diện của bên liên quan, nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Những người này đã có lời khai trong hồ sơ vụ án, sự vắng mặt không ảnh hưởng. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử, nếu cần sẽ triệu tập tiếp những người này vì phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày.
Sau ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, HĐXX kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, chuyển sang phần tranh luận.
Cho vay sai quy định
Đại diện Viện Kiểm sát tham gia công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa công bố bản cáo trạng.
Theo đó, cơ quan công tố xác định trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV) đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - chi nhánh Hà Tĩnh, chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.664 tỷ đồng.
Đối với Công ty Bình Hà, BIDV cho vay theo Dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt tại tỉnh Hà Tĩnh, đến ngày 9/11/2018 đã giải ngân dài hạn 99 lần, giải ngân ngắn hạn 94 lần, tổng cộng số tiền 2.687 tỷ đồng. Dư nợ gốc hiện còn 1.252 tỷ đồng. Trừ đi phần tài sản bảo đảm 568 tỷ đồng, nợ không có khả năng thu hồi còn 799 tỷ đồng.
Việc cho vay Công ty Bình Hà được xác định có nhiều sai phạm, Công ty Bình Hà mới thành lập, chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa có báo cáo tài chính, chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng. Các cổ đông của Công ty Bình Hà chưa đủ năng lực tài chính, tài sản bảo đảm thanh khoản không cao, không đảm bảo khả năng thu hồi nợ khi xử lý tài sản.
BIDV Hà Tĩnh được giao làm đầu mối cho vay, giải ngân, kiểm tra việc sử dụng vốn vay nhưng lại để các cổ đông của Công ty Bình Hà chiếm đoạt tiền BIDV giải ngân, chiếm đoạt tiền bán bò...
Cơ quan công tố cho rằng, việc BIDV và BIDV Hà Tĩnh cho vay với các sai phạm như trên đã phạm vào tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Dàn lãnh đạo bị ép phải ký
Ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch BIDV được xác định giữ vai trò chính, lợi dụng vị trí là người đứng đầu BIDV đã làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, xúc tiến dự án chăn nuôi bò của gia đình, cam kết cấp tín dụng cho dự án.
Ông Trần Bắc Hà đã sử dụng 3 nhân sự không có năng lực tài chính, kinh nghiệm để thành lập công ty sân sau (Công ty Bình Hà) rồi chỉ đạo xuyên suốt BIDV tiếp nhận, thẩm định cho vay và giải ngân. Hậu quả là gây thất thoát, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho BIDV.
Bị cáo Trần Lục Lang, nguyên Phó tổng giám đốc BIDV là người đã phê duyệt đề nghị cấp tín dụng, đề xuất cho vay, sửa đổi 8 lần điều kiện cấp tín dụng, đề xuất nhiều ưu đãi trái quy định cho Công ty Bình Hà.
Quá trình điều tra, bị cáo Lang khai ban đầu bị cáo đã yêu cầu doanh nghiệp bổ sung vốn tự có và tài sản bảo đảm. Nhưng ông Hà không đồng ý nên bị cáo phải ký.
Bị cáo khai ban đầu bị cáo chỉ biết Công ty Bình Hà là liên danh giữa CTCP Tập đoàn An Phú và CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Sau mới biết là công ty sân sau của Tập đoàn An Phú, do Trần Duy Tùng, con trai ông Hà thành lập.
Bị cáo Đoàn Ánh Sáng, nguyên Phó tổng giám đốc BIDV thừa nhận hành vi trái pháp luật nhưng do bị ông Trần Bắc Hà thúc ép và chỉ đạo ráo riết nên buộc phải ký.
Bị cáo Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV – chi nhánh Hà Tĩnh khai, quá trình giải ngân, vay vốn chi nhánh phát hiện một số vướng mắc của khách hàng nên ngừng giải ngân.
Tuy nhiên Công ty Bình Hà đã phản ứng gửi đơn lên ông Trần Bắc Hà. Ông Hà yêu cầu cách chức giám đốc chi nhánh. Do bị sức ép nên chi nhánh đề nghị Hội sở quyết định đổi một số điều kiện về hồ sơ pháp lý, tỷ lệ vốn tự có...
P. Thủy (t/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.