Xóa nợ gần 9.000 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế

Tài chính - Đầu tư
10:20 AM 31/05/2024

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sau 3 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14, tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 28.380 tỷ đồng, tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 8.770 tỷ đồng.

Chiều 30/5, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó có báo cáo về Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Nghị quyết này quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.

Xóa nợ gần 9.000 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sau 3 năm tổ chức thực hiện, cơ quan quản lý thuế đã thực hiện khoanh nợ đối với 704.431 người nộp thuế với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 28.380 tỷ đồng. Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền thực hiện xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 389.838 người nộp thuế với tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 8.770 tỷ đồng.

Trong đó, cơ quan thuế đã thực hiện khoanh nợ đối với 703.358 người nộp thuế với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 27.233 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 389.611 người nộp thuế với tổng số tiền được xóa là 8.706 tỷ đồng.

Cơ quan Hải quan thực hiện khoanh nợ đối với 1.073 người nộp thuế là doanh nghiệp với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 1.147 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 227 người nộp thuế là doanh nghiệp với tổng số tiền được xóa là 64 tỷ đồng.

Do nhiều trường hợp nợ thuế đã lâu nên hồ sơ, tài liệu bị thất lạc nên cơ quan quản lý thuế mất nhiều thời gian để thu thập, tìm kiếm, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Cùng với đó, việc xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 được thực hiện trong giai đoạn bùng phát của dịch bệnh Covid, giãn cách xã hội trên toàn quốc nên cơ quan quản lý thuế gặp khó khăn trong việc thu thập, xác minh thông tin và lập biên bản có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký. Vì vậy, thời gian xử lý nợ kéo dài.

Để đảm bảo xử lý nợ theo đúng thời gian quy định của Nghị quyết 94/2019/QH14, cơ quan quản lý thuế các cấp đã rà soát xác định đúng các đối tượng được xử lý nợ theo quy định, từ đó, thu thập, bổ sung, hoàn thiện và lập đầy đủ hồ sơ xử lý nợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Cùng với đó, xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; hồ sơ, trình tự thủ tục chặt chẽ theo quy định.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 2 thập kỷ Việt Nam có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 2 thập kỷ

Theo báo cáo từ Economist Intelligence Unit (EIU), môi trường kinh doanh của Việt Nam đã chứng kiến sự cải thiện mạnh nhất trong giai đoạn 2003-2023, với điểm đánh giá đạt 1,3 điểm, cao nhất trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ được nghiên cứu.