Xóa tan nỗi lo thất nghiệp của lao động trẻ ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 khiến lao động ở nhiều ngành, nghề dịch vụ “lao đao”. Nhiều trung tâm việc làm đang triển khai các hoạt động kết nối với doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho người lao động sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Sau dịch bệnh Covid-19, nhiều lao động trẻ lao đao tìm việc làm
Lao đao vì dịch
Bước ra từ một trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), Nguyễn Hữu Nam (22 tuổi, quê ở Ninh Bình) vẫn đau đáu nỗi lo về việc làm.
Nam vừa tốt nghiệp ngành Du lịch trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn năm 2019. Vừa ra trường, đi làm hướng dẫn viên du lịch không lâu thì dịch bệnh Covid-19 ập tới. Cùng từ đó đến nay, tròn nửa năm Nam lâm vào cảnh thất nghiệp.
“Dù dịch bệnh ở trong nước đã được kiểm soát tốt nhưng tình hình thế giới vẫn khá phức tạp. Bọn mình vẫn chưa biết ngày nào mới đi làm trở lại. Nếu cứ ngồi đợi thì minh biết lấy gì để duy trì cuộc sống”, Nam thở dài buồn bã.
Trong những tháng nghỉ phòng dịch, Nam đã thử sức mình ở nhiều công việc khác nhau như bán hàng online, đi giao hàng... nhưng đều “không chịu được nhiệt”. Chàng trai quyết tâm tìm việc ở lĩnh vực khác để chống chọi qua giai đoạn khó khăn này.
“Hơn 3 tuần nay mình đến trực tiếp các công ty để nộp hồ sơ và phỏng vấn nhưng đa số đều nói xem xét lại hoặc khi nào được thì họ báo. Tới giờ, mình vẫn không thấy một tin nhắn hay cuộc gọi nào. Mình chỉ mong có được việc làm sớm để lo cho cuộc sống hằng ngày”, Nam chia sẻ.
Tương tự, Nguyễn Việt (ở Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội) cũng phải “cầu cứu” các trung tâm giới thiệu việc làm vì hơn 1 tháng nay vẫn chưa tìm lại được công việc mong muốn.
Việt tâm sự: “Trước đây em cứ nghĩ học xong tìm được công việc ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là ổn định. Ai ngờ dịch bệnh ập đến, nguồn nguyên liệu cạn kiệt khiến bao công nhân như em lâm vào cảnh thất nghiệp”.
Việt cứ nghĩ khi hết cách ly xã hội sẽ sớm tìm được việc làm. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như thế. Hiện, chàng trai đang phải chắt chiu từng đồng trong sinh hoạt khi chờ đợi tìm được việc mới.
Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động mất việc làm vì dịch Covid-19
Để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có vai trò quan trọng trong lúc này để giúp người lao động có thu nhập và học nghề tìm việc làm mới.
Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), từ đầu năm đến nay, trung tâm mới tiếp nhận thông tin của gần 700 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động với 7.150 vị trí tuyển dụng, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Đối tượng tuyển dụng tập trung chủ yếu ở các ngành, nghề như kinh doanh, cơ khí, điện, điện tử, kế toán, văn phòng, nhân viên kỹ thuật… Trong khi đó, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng lên. Riêng tháng 2/2020, toàn thành phố có hơn 4.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,35% so với tháng 2/2019.
Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, khi có biến cố xảy ra về dịch bệnh, kinh tế, khủng hoảng, thì việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đối phó với những biến cố này là rất quan trọng. Do đó, chiến lược phát triển nguồn nhân lực không chỉ là ngắn hạn, trong thời điểm hiện tại, mà chúng ta phải tính dài hạn, cho tương lai.
“Quỹ BHTN với tổng kinh phí 70.000 tỷ đồng, không chỉ để trả cho lao động khi không có việc làm mà bản chất là để thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động quay trở lại thị trường lao động. Việc đào tạo nên được trao cho doanh nghiệp”, ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.
Được biết, hiện nay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội bàn hướng khắc phục khó khăn cho thị trường lao động, việc làm.
Hiện, các cơ quan, đơn vị đang tiến hành khảo sát, đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu sử dụng lao động của mạng lưới doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Căn cứ vào kết quả khảo sát, các cơ quan sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả kết nối cung - cầu về lao động, việc làm, bảo đảm cho doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, kinh doanh. Người lao động có việc làm, thu nhập, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ lao động thất nghiệp.
Mới đây, dự án 200.000 cơ hội việc làm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua đại dịch với tên gọi “Việc làm trao tay, đánh bay Covid-19” cũng đã chính thức được phát động tại Hà Nội. Dự án nằm trong tổng thể chuỗi hành động của chương trình “Văn hóa doanh nghiệp chung tay phòng, chống dịch Covid-19” với chủ đề “Vì Việt Nam khỏe mạnh” do Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đồng tổ chức.
Với kho dữ liệu 6,2 triệu người tìm việc, 500.000 khách hàng doanh nghiệp từ 4 cổng thông tin việc làm (timviecnhanh.com, vieclam24h.vn, viectotnhat.com, mywork.com.vn), dự án sẽ góp phần giải quyết nghịch lý của thị trường lao động thời hậu Covid-19.
Bên cạnh hoạt động chính là hỗ trợ việc làm và tuyển dụng miễn phí, thông qua các đối tác đồng hành, dự án còn mang đến cho người lao động và doanh nghiệp các chương trình đào tạo, tư vấn, kết nối hợp tác kinh doanh; Đầu tư, chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi số; Xây dựng văn hóa doanh nghiệp...
Dự án được triển khai hoàn toàn phi lợi nhuận tại 4 cổng thông tin việc làm trên trong 2 tháng và có thể kéo dài tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Mục tiêu của dự án là mang lại 200.000 cơ hội việc làm đến từ hơn 10.000 doanh nghiệp trên cả nước; Kết nối thành công 100.000 ứng viên với doanh nghiệp cần tuyển dụng.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.