“Xoài Đồng Tháp - Nâng tầm vị thế”
Tối 28/4, tại Quảng trường Văn Miếu, TP Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023 với chủ đề "Xoài Đồng Tháp - Nâng tầm vị thế".
Lễ hội nhằm tiếp tục đẩy mạnh thương hiệu xoài Đồng Tháp đến thị trường trong và ngoài nước, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền, doanh nghiệp và nông dân trong việc nâng cao giá trị cho xoài Đồng Tháp - một trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, theo tinh thần "Kinh tế xanh - Sen hồng bứt phá, chuyển đổi số - Đồng Tháp tiên phong".
Xoài Đồng Tháp kiên trì tạo dựng, gìn giữ chất lượng, thương hiệu
Phát biểu chào mừng lễ hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, từ trái chín trên mảnh vườn xanh mát bên dòng sông Tiền hiền hòa, đến sản phẩm được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng và trở thành thương phẩm hiện diện tại các quầy hàng siêu thị Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand… trái Xoài Đồng Tháp trải qua hành trình chuyển từ tư duy sản xuất qua tư duy kinh tế nông nghiệp, kiên trì tạo dựng, gìn giữ chất lượng, thương hiệu.
Sự kiện đặc biệt hôm nay là dịp để chúng ta cùng nhau thưởng thức những trái Xoài chín mọng, thơm ngon, đến với những vườn xoài sum suê, trải nghiệm những món ăn, thức uống mới lạ được chế biến từ trái xoài.
Lễ hội Xoài Đồng Tháp 2023 đánh dấu kết quả của chặng đường đã qua, đồng thời, mở ra cơ hội mới, triển vọng mới. Chủ đề của Lễ hội: "Nâng tầm Vị thế" khơi gợi nhiều suy nghĩ. Đâu phải là vị thế của trái Xoài, mà hơn hết, là vị thế của cả ngành hàng xoài, của bà con nông dân trồng xoài, của Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh xoài, của cộng đồng doanh nghiệp gắn bó với trái xoài, của các đơn vị quản lý chuyên ngành từ sản xuất đến xúc tiến thương mại cho trái xoài…
"Nâng tầm Vị thế" nhờ vào tầm nhìn và hành trình miệt mài đưa trái Xoài "chín cây" trên cành, thành sản phẩm được ưa chuộng rộng rãi, đến thương phẩm tích hợp đa giá trị, tự tin chinh phục thị trường gần xa. Và tiếp tục hướng tới "tinh phẩm" - thương phẩm kết tinh giá trị tinh túy, độc đáo, chứa đựng hàm lượng tri thức tiên tiến, hòa quyện văn hóa, tài nguyên bản địa.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, mỗi trái xoài kết tinh thành đặc sản địa phương nhờ vào bàn tay, khối óc, mồ hôi của bà con nông dân chăm chút bằng tất cả tình cảm trân quý, tự hào. "Nâng tầm Vị thế" lan tỏa thương hiệu của vùng đất nghĩa tình, hiếu khách: "Thuần khiết như hồn Sen". Mỗi trái Xoài, mỗi loại nông sản "đơm bông kết trái" đều thấm đượm hương vị của đất, của phù sa, của nước, của nắng gió, với trọn vẹn tấm lòng chân chất, "thuần khiết" của những người dân bao đời gắn bó với nghề nông, với thửa ruộng, mảnh vườn, bờ ao.
Ông Lê Minh Hoan cho biết, "Nâng tầm vị thế" thúc đẩy tinh thần liên kết - hợp tác của bà con trồng Xoài, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của Hội quán Nông dân, của Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh xoài. Hun đúc tinh thần "đi cùng nhau, hài hòa lợi ích, san sẻ rủi ro" của cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng xoài. "Nâng tầm Vị thế" khuyến khích sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, từ các khâu nghiên cứu, tổ chức sản xuất, đến kết nối thị trường, giới thiệu, quảng bá, để phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng xoài.
Xoài là một trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Phát biểu khai mạc Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Phạm Thiện Nghĩa cho biết, người dân Đồng Tháp từ lâu đã rất đỗi tự hào với loại trái cây nổi tiếng này, qua câu ca quen thuộc "Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh". Không chỉ thế, xoài luôn là hình ảnh gần gũi, đậm sâu trong ký ức của mỗi người chúng ta về một tuổi thơ hồn nhiên với những mùa xoài trĩu quả. Và cũng như nhiều loại nông sản khác, bà con trồng xoài cũng không ít lần phải chịu cảnh lao đao do "trúng mùa, rớt giá", phụ thuộc vào quy luật cung cầu và những biến động của thị trường xuất khẩu.
Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của bà con, đặc biệt là để phát huy giá trị của loại trái cây có hương vị thơm ngon độc đáo này, Đồng Tháp đã chọn xoài là một trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kể từ đây, bà con không chỉ mạnh dạn thay đổi quy trình canh tác theo hướng an toàn cho sức khoẻ người dùng, mà còn chủ động hợp tác, liên kết để mở rộng vùng sản xuất đạt chuẩn VietGap, đăng ký mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, diện tích trồng xoài ở Đồng Tháp không ngừng mở rộng, hiện đã lên đến trên 14.000 ha, với sản lượng gần 140.000 tấn, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Newzealand và thị trường Châu Âu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tin rằng Lễ hội xoài Đồng Tháp, với rất nhiều hoạt động phong phú, thiết thực nhằm giới thiệu đến bạn bè, du khách gần xa về một loại sản vật đặc trưng của quê hương Đồng Tháp, không chỉ có hương vị đậm đà khó quên mà còn có thể chế biến nhiều món ăn, thức uống thơm ngon, bổ dưỡng và những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.