Xoài Việt được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc
Xoài là một trong các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Nhờ có mức giá rẻ và chất lượng thơm ngon, xoài Việt Nam được người Trung Quốc đánh giá vượt trội hơn xoài các thị trường khác.
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu xoài của Trung Quốc đạt 13,21 nghìn tấn, trị giá 6,78 triệu USD, tăng 35,8% về lượng, nhưng giảm 13,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu xoài nhiều nhất từ Việt Nam với 6.854 tấn, tương đương 3,8 triệu USD, tăng mạnh 122,3% về lượng và tăng 200% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu trung bình là 561 USD/tấn, tăng 34,7%, đây là mức tăng mạnh nhất trong tất cả các nguồn cung xoài cho Trung Quốc. Việt Nam chiếm tới 57% thị phần về trị giá.
Nhờ có mức giá rẻ và chất lượng thơm ngon, xoài Việt Nam được người Trung Quốc đánh giá vượt trội hơn cả Thái Lan, Mianma, Campuchia.
Xoài là một trong những loại trái cây nhiệt đới chính được trồng tại Việt Nam. Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây xoài phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cũng rất cao; giá nhân công rẻ nên giá thu mua cũng rẻ.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay diện tích trồng xoài cả nước là hơn 114.000 ha với sản lượng gần 969.000 tấn/năm.
Các tỉnh có diện tích và sản lượng xoài lớn là: Sơn La, Ðồng Tháp, An Giang, Ðồng Nai; trong đó, xoài được trồng nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long với 49.900 ha. Tại Ðồng Tháp, đến nay diện tích trồng xoài là hơn 14.000 ha với sản lượng gần 140.000 tấn/năm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD.
Xoài được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu đến những thị trường khó tính, góp phần phát triển ngành nông sản của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu xoài lớn thứ 13 trên thế giới. Xoài Việt Nam đã được xuất khẩu đến 40 nước, trong đó, thị trường chủ yếu là Trung Quốc chiếm gần 84,6%; kế đến là thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản…
Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, lô hàng xoài tượng da xanh đầu tiên của TP. Cần Thơ đã được xuất khẩu sang thị trường Úc và Hoa Kỳ bằng đường hàng không. Trước đó, An Giang cũng đã chính thức xuất khẩu lô xoài keo đầu tiên lên tới 18 tấn sang Hàn Quốc. Đây chính là cơ hội lớn cho loại trái cây đặc sản này hướng tới các thị trường khó tính.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp xuất khẩu xoài của Việt Nam nên phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ sản xuất, thu mua, sơ chế, đóng gói và bảo quản. Điều này nhằm đáp ứng các quy định của thị trường về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh để tăng xuất khẩu xoài sang Trung Quốc và giữ vững vị thế.
Một khi tạo được thế đứng vững chắc trên thị trường thì mặt hàng xoài hoàn toàn có thể sớm vượt được mục tiêu đề ra, thậm chí làm nên những điều bất ngờ như một số loại trái cây chủ lực khác.
An Mai (t/h)Nhân kỷ dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, sáng 6/10, thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức “Ngày hội văn hóa vì hòa bình”.