Xu hướng chuyển đổi số trong một số lĩnh vực tại Việt Nam

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:53 AM 01/03/2021

Nền kinh tế số bao gồm tất cả các doanh nghiệp, dịch vụ có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua bán, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số hoặc sử dụng các hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành hệ thống của mình.

Đặc trưng nền kinh tế số

Nền kinh tế số bao gồm tất cả các doanh nghiệp, dịch vụ có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua bán, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số hoặc sử dụng các hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành hệ thống của mình.

Dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá trong nền kinh tế số: Sự phát triển của nền tảng công nghệ cho phép thu thập dữ liệu từ rất nhiều nguồn khác nhau, từ ứng dụng trên điện thoại thông minh cho đến hàng triệu thiết bị cảm biến trong các nhà máy, phương tiện giao thông... Sử dụng trí tuệ nhân tạo phân tích dữ liệu thu được sẽ đem lại lợi ích to lớn cho xã hội.

Sự tiến bộ của hạ tầng công nghệ thông tin: Nền kinh tế số là kết quả của sự phát triển các công nghệ số mới (công nghệ robot, Internet vạn vật, nền tảng số) - có tác động chuyển đổi vượt ra ngoài lĩnh vực CNTT&TT. Sự chuyển đổi diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, từ tài chính đến giao thông vận tải, chế tạo, truyền thông, giáo dục, y tế.

Xu hướng chuyển đổi số trong một số lĩnh vực tại Việt Nam  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các mô hình kinh doanh mới tác động lớn đối với doanh nghiệp: Các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số cho phép nhiều nhóm người tương tác với nhau, qua đó tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho cả mạng lưới và nâng cao hiệu quả công việc nhờ giảm chi phí trung gian giao dịch. Ví dụ, thương mại điện tử hỗ trợ cho việc đặt hàng hóa và dịch vụ được vận chuyển qua các kênh truyền thống hoặc hoàn toàn trên mạng. Quảng cáo trực tuyến cũng là một lĩnh vực mới nổi, thông qua đó Internet trở thành một công cụ đảm bảo chuyển giao chính xác thông điệp tới từng nhóm khách hàng theo phân khúc. Trong khi đó nền kinh tế chia sẻ mang đến nhiều cơ hội việc làm cho nhiều cá nhân cũng như quyền tiếp cận các tài sản và dịch vụ còn nhàn rỗi.

Vai trò của người tiêu dùng: Công nghệ số đưa người tiêu dùng vào vị trí trung tâm. Khả năng truyền thông và chia sẻ ý kiến, đánh giá với những người khác không chỉ làm thay đổi trải nghiệm mua sắm của khách hàng mà đồng thời cũng gây ảnh hưởng rất lớn tới uy tín doanh nghiệp. Internet khiến người tiêu dùng trở nên quyền năng hơn bởi họ có thể tự do đưa ra và chia sẻ ý kiến. Người tiêu dùng cũng chính là nguồn cảm hứng sáng tạo mới và rất quan trọng đối với các nhà sản xuất.

Một số hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam

Phát triển dịch vụ nội dung số

Truyền thông xã hội: Hiện tại, truyền hình và báo chí vẫn duy trì được thị trường của mình. Trong khi đó, số lượng người dùng sở hữu thiết bị di động tăng lên kéo theo nhu cầu truy cập các nội dung và tin tức cũng cao hơn. Hiện có 240 trang mạng xã hội và 63 trang thông tin điện tử tổng hợp tại Việt Nam, trong đó, Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất. Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất với khoảng 58 triệu người. Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy các mạng truyền thông xã hội trong nước phát triển thông qua các sáng kiến như thiết lập nền tảng tri thức số Việt Nam. Với công nghệ nền tảng mở như vậy, người dùng có thể sử dụng dữ liệu và cơ sở hạ tầng của Chính phủ để phát triển các ứng dụng và phần mềm khác.

Quảng cáo trực tuyến: Ngành công nghiệp quảng cáo trực tuyến của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đạt doanh thu 390 triệu đô la Mỹ trong năm 2016. Dự kiến con số này sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2021. Năm 2014, mạng xã hội đã vượt qua công cụ tìm kiếm để trở thành phương tiện quảng cáo trực tuyến được các doanh nghiệp Việt Nam ưa chuộng nhất. Ngoài các doanh nghiệp, các cá nhân, hộ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tuyến cũng là những khách hàng thân thiết của loại hình quảng cáo này. Đây là các nhóm khách hàng đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của quảng cáo trên các mạng xã hội.

Các dịch vụ OTT: Các dịch vụ OTT như Zalo, Skype và Viber đang thay thế các dịch vụ gọi điện và gửi tin nhắn SMS truyền thống. Thống kê vào năm 2012 tại Việt Nam cho thấy, nhắn tin di động qua các ứng dụng vượt trội so với nhắn tin qua SMS truyền thống. Các nhà khai thác lớn như Viettel và VNPT cũng đang chuyển sang cung cấp các dịch vụ OTT của riêng mình như Viettel Mocha hay Viettalk để cạnh tranh.

Trò chơi điện tử: Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường trò chơi trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 25 trong tổng số 100 quốc gia có tổng doanh thu trò chơi điện tử lớn nhất. Cụ thể, doanh thu từ trò chơi điện tử của Việt Nam tăng 123 triệu đô la Mỹ so với năm 2017 và đạt 490 triệu đô la Mỹ trong năm 2018, vượt qua Philippines và Singapore. Nhà cung cấp trò chơi trực tuyến lớn nhất Việt Nam là VNG - được các công ty nghiên cứu thị trường định giá 1 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, thị trường trò chơi di động đóng góp phần lớn cho sự tăng trưởng này. Các ứng dụng trò chơi trong điện thoại thông minh tăng 37% vào năm 2016. Khoảng 60% doanh thu của ứng dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam là từ các ứng dụng trò chơi.

Du lịch thông minh

Du lịch đang bùng nổ ở Việt Nam. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2017, số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa cũng như tổng doanh thu từ du lịch đều tăng thu mạnh. Năm 2017, Việt Nam đã đón 13 triệu lượt khách quốc tế và 74 triệu lượt khách du lịch trong nước, tăng lần lượt gần 30% và 20% so với năm 2016. Cũng trong năm 2017, tổng doanh thu trực tiếp từ du lịch đạt hơn 23 tỷ đô la Mỹ và đóng góp gần 7,5% vào GDP.

Nhờ cuộc CMCN 4.0, ngành du lịch Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng, chất lượng dịch vụ được cải thiện nhờ sử dụng "mô hình du lịch thông minh".

Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch Việt Nam, 71% khách du lịch quốc tế tới Việt Nam trong năm 2017 tham khảo qua các nguồn trực tuyến để lựa chọn điểm đến. Thêm vào đó, 64% khách du lịch quốc tế đặt chuyến du lịch đến Việt Nam qua kênh trực tuyến. Mặc dù gần như 100% các doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam sử dụng các trang web để giới thiệu sản phẩm của mình đến khách hàng, nhưng chỉ hơn 50% số doanh nghiệp trong nước áp dụng thành công phương thức bán hàng và thanh toán trực tuyến.

Trong những năm gần đây, thị phần đặt phòng khách sạn trực tuyến ở Việt Nam cũng rất lớn, chiếm trung bình 30 - 40% tổng doanh số bán hàng. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài như Agoda và Booking.com chiếm 80% thị phần. Mặc dù mới gia nhập thị trường và cũng đã gặt hái được những thành công ban đầu nhưng các doanh nghiệp Việt Nam như gotadi.com, ivivu.com, chudu24.comvntrip.vn vẫn chỉ chiếm một thị phần khá khiêm tốn.

Hệ thống giao thông công cộng cũng góp phần làm tăng trưởng du lịch thông minh. Chẳng hạn như, xe buýt có Wi-Fi miễn phí đã được ra mắt ở một số thành phố, giúp việc đi lại thuận tiện hơn.

Xu hướng chuyển đổi số trong một số lĩnh vực tại Việt Nam  - Ảnh 2.

Một số hoạt động chuyển đổi số của ngành Du lịch tại Việt Nam (ảnh minh họa, nguồn internet)

Y tế thông minh

Năm 2018, ngành y tế Việt Nam đặt ra các mục tiêu cụ thể trong phát triển hệ thống y tế thông minh, với kế hoạch triển khai các công nghệ số trong ba trụ cột chính: phòng bệnh thông minh, khám và điều trị thông minh và quản lý y tế bằng công nghệ thông minh.

Sáng kiến về "mô hình số hóa truyền thông y tế", là một mạng lưới khép kín gồm các kênh truyền thông trong môi trường bệnh viện, được vận hành và xử lý qua Internet. Đến năm 2018, mô hình này đã được 40 bệnh viện và 500 nhà thuốc áp dụng. Ngoài ra, còn có cổng thông tin trực tuyến Medihub.vn cung cấp thông tin chính thức về các dịch vụ, quy trình, quy định, cũng như thông tin và phương pháp điều trị mới của từng bệnh viện.

Các bệnh viện lớn ở Việt Nam đã bắt đầu xây dựng và triển khai mô hình Phòng khám thông minh. Ví dụ, tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), người bệnh có thể đặt lịch khám qua hệ thống trung tâm được kết nối với phần mềm quản lý chung của bệnh viện. Khách hàng có thể nhận số thứ tự khám bệnh tự động và quá trình chờ tới lịch hẹn cũng thoải mái, thuận tiện hơn vì xung quanh bệnh viện có rất nhiều màn hình hiển thị số thứ tự khám bệnh.

Hệ thống quản lý thông tin đang được số hóa. Bộ Y tế đang mở rộng đề án về Bệnh án điện tử (EMR) cho các đơn vị trực thuộc trên cả nước sau khi thí điểm thành công theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT. Hệ thống Bệnh án điện tử này cho phép các cơ sở y tế sử dụng kỹ thuật số để ghi lại, hiển thị và lưu trữ dữ liệu y tế của mỗi người dân. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đang tích cực nghiên cứu và soạn thảo mẫu thẻ bảo hiểm y tế điện tử. Tất cả những kế hoạch này sẽ giúp ngành y tế của Việt Nam tiết kiệm chi phí quản lý và tạo điều kiện để bệnh nhân tới khám chữa bệnh được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận tiện hơn.

Xu hướng chuyển đổi số trong một số lĩnh vực tại Việt Nam  - Ảnh 3.

Một số hoạt động chuyển đổi số của ngành Y tế tại Việt Nam (ảnh minh họa, nguồn internet)

Kinh tế chia sẻ

Nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam đang ngày càng phát triển nhờ có nền tảng điện toán đám mây, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và tỷ lệ sở hữu tài sản cá nhân thấp của người tiêu dùng Việt Nam.

Trong 5 năm qua, các nền tảng chia sẻ chuyến đi (các ứng dụng đi chung xe) đã tạo ra sự cạnh tranh với các doanh nghiệp taxi truyền thống. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á thu hút Uber và cũng là thị trường phát triển nhanh thứ hai của Uber trên toàn cầu vào năm 2015, sau Trung Quốc. Năm 2018, Grab đã thâu tóm hoạt động của Uber ở khu vực ASEAN, nhưng sự gia nhập của Go-Jek vào thị trường Việt Nam hồi tháng 9/2018 đã thúc đẩy cạnh tranh trong ngành này. Các nhà cung cấp dịch vụ taxi truyền thống ở Việt Nam cũng đang phát triển nền tảng và ứng dụng di động của riêng mình để cạnh tranh với những đối thủ mới gia nhập thị trường. Trong khi đó, Chính phủ cũng đang xem xét liệu rằng các nền tảng chia sẻ chuyến đi này có cần phải tuân theo các luật lệ của taxi truyền thống hay không? Nếu có, lợi thế cạnh tranh của các loại hình dịch vụ này có thể sẽ giảm bớt.

Cho vay ngang hàng cũng đang phát triển ở Việt Nam, với các nền tảng như Timma, Vaymuon và Mofin cung cấp các khoản vay cho cá nhân và Lendbiz cung cấp khoản vay cho doanh nghiệp. Thông qua dịch vụ Lendbiz, các doanh nghiệp có thể đăng ký các khoản vay lên tới 1 tỷ đồng (44.000 đô la Mỹ) mà không cần tài sản thế chấp và có thể được chấp thuận trong vòng 24 giờ. Nền tảng Lendbiz hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bởi chi phí đăng ký thấp (chỉ với 500.000 đồng, khoảng 22 đô la Mỹ) và khả năng đạt được lợi nhuận cao với lãi suất hàng năm lên đến 20%.

Xu hướng chuyển đổi số trong một số lĩnh vực tại Việt Nam  - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Công nghệ tài chính

Công nghệ số đã tạo ra các mô hình kinh doanh mới và các ngành công nghiệp "mới nổi". Một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất là các sản phẩm và dịch vụ công nghệ tài chính (fintech).

Việt Nam là một ngôi sao mới trong ngành công nghệ tài chính toàn cầu. Số lượng "vườn ươm" doanh nghiệp, các trung tâm hỗ trợ và phòng thí nghiệm phục vụ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là 42, cao hơn Indonesia (20), Malaysia (10), Thái Lan (5) và chỉ sau Singapore (52). Năm 2017, Việt Nam có 48 công ty công nghệ tài chính cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền và tiền điện tử. Tuy nhiên, tỷ trọng các dịch vụ và sản phẩm mà các công ty công nghệ tài chính cung cấp cũng đang thay đổi. Dù thanh toán vẫn là loại hình sản phẩm, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính, song các mảng mới như công nghệ bảo hiểm (insurtech), công nghệ quản lý tài sản (wealthtech) và công nghệ quản lý (regtech) đang thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Đồng thời, số lượng các công ty công nghệ tài chính tham gia khai thác tiền điện tử đang có xu hướng giảm do việc sử dụng và khai thác loại tiền này ở Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các cơ quan Chính phủ đang xem xét về việc đưa ra các lệnh cấm với mức độ thực thi khác nhau đối với tiền điện tử. Các công ty và quỹ đầu tư cũng đã được cảnh báo để tránh đầu tư vào loại tiền này. Nhiều bộ, ngành phản đối việc sử dụng các loại máy móc khai thác tiền điện tử. Các nhà chức trách sẽ cần xem xét các lựa chọn chính sách để quản lý được những vấn đề liên quan đến lừa đảo bằng tiền điện tử trong nước đồng thời đưa ra giải pháp cho việc sử dụng hợp pháp và bất hợp pháp tiền điện tử và vai trò của loại tiền này trong các dòng tiền xuyên quốc gia.

Như vậy, kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng nhờ áp dụng các công nghệ số mới. Một số ngành công nghiệp, dịch vụ của Việt Nam đang số hóa rất nhanh, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính. Những ngành công nghiệp này cho thấy tiềm năng lớn của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng đầu tư vào công nghệ số còn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì hiệu quả lâu dài cho tới nay vẫn chưa được kiểm chứng. Hơn nữa, chi phí lắp đặt các hệ thống công nghệ 4.0 quá cao đặc biệt gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và cơ sở kinh doanh tư nhân.

PGS.TS Hoàng Xuân Lâm
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.