Xu hướng mới định hình thị trường bán lẻ năm 2025
Các chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ đánh dấu giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt, định hình lại thị trường bán lẻ.
Tại chương trình Tin dùng Việt Nam 2024, ông Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam khẳng định: Từ nay đến năm 2030, Việt Nam có cơ hội trở thành cứ điểm mới trong xu hướng tái cấu trúc của các công ty đa quốc gia trong ngành bán lẻ.
Đáng chú ý, xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội cho ngành bán lẻ phát triển các mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại, xanh hóa chuỗi cung ứng và đẩy mạnh phân phối, tiêu dùng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường.
Tiếp nối xu hướng này, các chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ đánh dấu giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt, định hình lại thị trường bán lẻ. Các xu hướng mới, từ việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử đến sự phân hóa trong hành vi tiêu dùng, không chỉ định hình lại thị trường mà còn tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp.
Hành vi tiêu dùng tại Việt Nam sẽ trải qua những thay đổi sâu sắc, khi người tiêu dùng phải thích nghi với các phương thức mua sắm mới để đảm bảo chất lượng cuộc sống mà không vượt quá khả năng tài chính. Trong đó, thương mại điện tử không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, tạo nên hành trình mua sắm đa kênh, mà còn góp phần đưa Việt Nam đạt được mục tiêu doanh thu bán lẻ lớn hơn, với 10% tổng doanh thu bán lẻ đến từ thương mại điện tử vào năm 2025.
Bên cạnh đó, kỷ nguyên kỹ thuật số đã mở ra làn sóng tiến bộ công nghệ chưa từng có, thay đổi cách doanh nghiệp tiến hành giao dịch và người tiêu dùng mua hàng. Do đó, các doanh nghiệp cũng buộc phải thích ứng nhanh chóng để tồn tại và phát triển.
Đặc biệt, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán nhận thức (Cognitive Comuting) đang ở giai đoạn “đỉnh của kỳ vọng” mang đến cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện tổ chức, cơ cấu sản phẩm, trải nghiệm khách hàng, dự đoán xu hướng mua sắm và thói quen của người tiêu dùng... Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đưa ra các chiến lược bán hàng hiệu quả hơn.
Chuyển đổi số cũng giúp xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh (chuyển đổi kép) sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Các nghiên cứu về xu hướng thị trường gần đây cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh và bán lẻ ngày càng hiểu rõ hơn sức mạnh của công nghệ, dữ liệu và đang tận dụng những tiềm năng này. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ giúp giảm thiểu tối đa chi phí đầu tư hạ tầng và tăng độ linh hoạt cho doanh nghiệp khi mở rộng hoạt động.
An Mai (t/h)Đó là nhận định của TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng đi đột phá để đảo Cát Bà thực sự vươn tầm thế giới, trở thành “hình mẫu” cho các nơi khác.