Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam tăng mạnh

Tài chính - Đầu tư
03:36 PM 29/05/2023

Theo số liệu thống kê từ NHNN, tính đến đầu tháng 4/2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 53,5% về số lượng; qua phương thức QR code tăng 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị.

Trong buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt năm 2023 tổ chức mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán - Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, chưa bao giờ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tất cả những điểm đến của người dân như siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh hay quán trà đá vỉa hè... đều có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, phương thức sử dụng QR code có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất cả về số lượng và giá trị. Số lượng thanh toán năm sau luôn cao hơn năm trước nhiều lần. Phương thức sử dụng QR code trong năm 2022 tăng tới hơn 225% về số lượng và 244% về giá trị so với năm 2021.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam tăng mạnh  - Ảnh 1.

Năm 2022, thanh toán qua hình thức mã QR phát triển hơn 200% số lượng và giá trị so với năm 2021. Ảnh: Internet

Số liệu thống kê từ NHNN tính đến đầu tháng 4/2023 cho thấy, giao dịch TTKDTM tăng 53,5% về số lượng; qua kênh Internet tăng 88,1% về số lượng và 7,4% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,5% về số lượng và 13,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị. 

Trong khi đó, tổng số tài khoản Mobile-Money được đăng ký và sử dụng là hơn 3,71 triệu tài khoản với gần 8,9 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập và 15,3 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán. Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, có ngay kết quả.

Theo thống kê, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử (TTĐT) trong năm qua tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng. Trong 3 tháng đầu năm 2023, hoạt động TTKDTM tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) tăng 8,55% (so với cùng kỳ năm 2022) về giá trị; số lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị.

Nhiều chính sách thúc đẩy TTKDTM như thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC); thông tư hướng dẫn phát hành thẻ eKYC; kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thành lập tổ công tác và ban hành kế hoạch của ngành ngân hàng triển khai Đề án 06.

Toàn thị trường tính đến đầu tháng 4/2023 có 21.347 máy ATM và 430.625 máy POS, tăng tương ứng 3,88% và 26,34%. Số lượng giao dịch qua máy POS tăng 37,57% về số lượng và 32,09% về giá trị. Còn giao dịch qua máy ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ rút tiền mặt sang TTKDTM.

Mới đây, Decision Lab - đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam (Mobile Marketing Association Vietnam - MMA) đã công bố báo cáo "Người tiêu dùng số - The Connected Consumer" quý 1/2023. Đây là báo cáo hàng quý, được thực hiện từ năm 2019.

Báo cáo tập trung thói quen trực tuyến của người tiêu dùng, bao gồm việc sử dụng mạng xã hội, giải trí (âm nhạc, phim ảnh, và video trực tuyến) cũng như mua sắm trực tuyến, thanh toán điện tử.

Ví điện tử đang chứng kiến 40 đơn vị tham gia nhưng nổi bật là 6 "ông lớn", gồm Momo, Moca, ZaloPay, ShopeePay (AirPay), ViettelPay và ShopeePay. Theo báo cáo, MoMo hiện là ví điện tử dẫn đầu ở các chỉ số như fintech nắm giữ thị phần cao nhất Việt Nam với 68%. Các vị trí tiếp theo là ZaloPay 53%, ViettelPay - nắm giữ 27%, ShopeePay với 25%, VNPay với 16% và Moca là 7%.

Những con số trên cho thấy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt từ QR code, thanh toán qua điện thoại, qua internet đã quen thuộc với người tiêu dùng. Tại các cửa hàng, quán cà phê, hủ tiếu, hàng rau, thịt ở chợ dân sinh... người bán hàng đều có QR code để khách hàng có thể thanh toán một cách dễ dàng.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đơn vị này và Bộ Công an sẽ tập trung triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các đơn vị sẽ tập trung vào nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn