Xu hướng tuyển sinh 2022: Nhiều trường 'nở rộ' ngành học mới
Nhiều trường đại học dự kiến mở thêm ngành học mới cho mùa tuyển sinh năm 2022, đa số các ngành được xem là “hot” vì “đón đầu” được xu hướng và nhu cầu nhân lực trong tương lai. Tuy nhiên, để các ngành học mới thực sự có ý nghĩa đối với người học và xã hội, cần tăng cường giám sát chất lượng.
Nhiều trường mở ngành học mới
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Do đó, việc các trường đại học ồ ạt mở ngành mới trong mùa tuyển sinh năm 2022 là điều có thể dự đoán.
Trong năm học 2022 - 2023, Trường ĐH Hoa Sen dự kiến mở thêm một loạt ngành học mới như Thương mại điện tử, Digital Marketing, Phim, Quan hệ công chúng, Kinh tế thể thao, Trí tuệ nhân tạo. Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng dự kiến mở và tuyển sinh ngành học mới là Dược học...
Theo công bố mới nhất, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM sẽ tuyển khoảng 4.000 chỉ tiêu cho 35 ngành đào tạo. Trường cũng mở mới 6 ngành học là Quản trị văn phòng, Kinh tế quốc tế, Công nghệ tài chính, Kiểm toán, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị sự kiện.
Đại học Gia Định mới đây thông báo đề án tuyển sinh 2022. Trong đó, điểm nổi bật là nhà trường sẽ ra mắt chương trình đào tạo tài năng với 5 ngành học: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Marketing và Kinh doanh quốc tế.
Trường này cũng mở thêm 5 ngành học mới, nâng tổng số ngành đào tạo đại trà lên 19 ngành. Các ngành mới gồm: Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Bất động sản, Quản trị nhà hàng và ăn uống, Quản trị du lịch và lữ hành.
Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 để giảm tối đa sự chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành đào tạo, mở thêm nhiều ngành học mới. So với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sỹ có 118 ngành và bậc tiến sỹ có 55 ngành. Đặc biệt, có 58 ngành đào tạo thí điểm bậc đại học, 102 ngành thí điểm bậc thạc sỹ và 43 ngành thí điểm bậc tiến sỹ.
Lo lắng chất lượng đào tạo
“Khi mở các ngành học mới, quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước phải là kiểm soát chất lượng chương trình, đội ngũ giảng viên đủ trình độ và điều kiện thực hiện đào tạo. Điều này sẽ quyết định chất lượng của nguồn nhân lực, nếu khâu chuẩn bị không tốt, quá trình đào tạo không như cam kết thì khó bảo đảm chất lượng đầu ra”-TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm.
Các trường khi muốn mở ngành mới mà trước đây chưa có cần xuất phát từ nhu cầu thực tế và phải thực hiện theo quy trình, cần có sự tính toán, khảo sát, điều tra nhất định về cơ hội việc làm cũng như xu thế, khảo sát các doanh nghiệp hoặc tổ chức sử dụng lao động để biết nhu cầu lao động. Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến cũng lo ngại khi nhiều năm trở lại đây tình trạng các trường ồ ạt mở ngành mới, ngành “hot” để thu hút thí sinh.
Mỗi trường đại học có một số ngành học có thế mạnh nhất định. Việc mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng, một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức lớp học. Sự đa dạng hóa quá nhiều ngành học mới có thể gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh. Và nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Đấy cũng là trăn trở của GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam. Ông Dong cho rằng, việc các trường Đại học mở thêm nhiều ngành mới không phải là vấn đề đáng lo ngại. Bởi đây là xu hướng tất yếu hiện nay, khi cơ cấu kinh tế đã và đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ, sự phát triển ngành nghề trong xã hội ngày càng đa dạng hơn. Điều đáng lo ngại là khâu quản lí, kiểm định chất lượng khi các ngành nghề mới được mở ra.
Việc nhiều trường đại học trên cả nước công bố mở thêm nhiều ngành mới bước đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực của chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Đồng thời giúp đa dạng hoá dịch vụ đào tạo, hạn chế tình trạng độc quyền đối với một số ngành nghề, gây sức ép cạnh tranh để mọi đơn vị đào tạo, mọi ngành nghề đều phải đổi mới, nâng cao chất lượng.
Bên cạnh những tác động tích cực, tốc độ mở rộng các ngành đào tạo quá nhanh có thể gây ra những tác động ngoài mong đợi. Một số trường vì muốn thu hút nhiều sinh viên đã mở thêm nhiều ngành mới với tên gọi hấp dẫn nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ”.
HM (T/h)Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.