Xu hướng tuyển sinh năm 2022: Xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn là chủ đạo
Trước thông tin một số trường đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số trường đại học, về cơ bản phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỉ lệ lớn.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2021, số trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển là hơn 92%; số trường sử dụng kết quả học tập bậc THPT (học bạ) để xét tuyển là hơn 77%.
Số liệu này cho thấy, hầu như các trường sử dụng 2 phương thức cơ bản nêu trên. Nhưng, điều này chưa quan trọng bằng số chỉ tiêu và số liệu nhập học cụ thể của các trường trong toàn hệ thống.
“Qua thống kê tổng chỉ tiêu mà các trường xác định, cũng như con số nhập học thực tế trong năm 2021, 90% thí sinh nhập học theo 1 trong 2 phương thức: sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác tổng số chưa đến 10%. Như vậy, 2 năm vừa qua, xu thế đó gần như không có thay đổi nhiều. Có thể nói, tỉ trọng xét tuyển bằng các phương thức khác là không cao so với tổng thể”, bà Thủy phân tích.
Do đó, bà Thủy nhận định, trong năm 2022, với tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể chưa được khống chế hoàn toàn (chưa thuận lợi để tổ chức thi riêng và thi đánh giá năng lực một cách phổ biến), thì tỉ lệ nhập học đối với các phương thức vẫn có thể tương tự và ổn định như giai đoạn 2020-2021.
“Các năm tiếp theo, khi các trung tâm khảo thí độc lập đi vào vận hành ổn định, tỉ trọng các trường tốp trên sử dụng kết quả này sẽ gia tăng mạnh mẽ (để dần thay thế cho kết quả thi tốt nghiệp THPT). Các kỳ thi riêng do các nhóm trường tổ chức cũng sẽ chiếm tỉ trọng lớn hơn, được chấp nhận rộng rãi hơn, xu hướng sẽ không cao bằng kết quả thi của các trung tâm khảo thí độc lập vì việc tổ chức thi là tốn kém, vất vả; nếu sử dụng dịch vụ đáng tin cậy thì các trường sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ”.
Bà Thủy cũng cho hay, Bộ cũng khuyến cáo các trường khi đưa ra những phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh thì cần đảm bảo sự ổn định, tránh việc gây xáo trộn, biến động lớn ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh.
Do đó, theo bà Thủy, các thí sinh và phụ huynh không nên quá lo lắng, bởi xu hướng mùa tuyển sinh năm 2022 cũng sẽ không thay đổi quá nhiều, phương án tuyển sinh về cơ bản sẽ giữ ổn định tương đối so với năm 2020, 2021.
Qua thống kê, đã có khoảng hơn 10 phương thức xét tuyển được các trường đại học công bố trong mùa tuyển sinh năm 2022. Theo lãnh đạo một số trường đại học, các thí sinh cũng không nên lấy làm lo lắng bởi về cơ bản phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỉ lệ lớn.
GS. Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, về cơ bản, năm nay, phương án tuyển sinh của trường sẽ tương tự năm 2021.
“Năm nay, trường sẽ có thêm phương thức xét từ kết quả bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, còn các phương thức khác như mọi năm”. Theo ông Sơn, với cơ sở đào tạo nhiều ngành khoa học cơ bản như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thì năm 2022, phương thức xét tuyển bằng sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chủ đạo.
“Bởi hầu như tất cả học sinh đều dự thi tốt nghiệp THPT. Trong khi số thí sinh có thể đến trực tiếp để thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức chưa được quá nhiều, một phần bởi ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19”.
Do đó, ông Sơn khẳng định, chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Trường ĐH Khoa học Tư nhiên về cơ bản là ổn định.
“Năm nay, trường sẽ dành khoảng 80-85% tổng chỉ tiêu cho phương án sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, số còn lại chủ yếu xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Như vậy chủ yếu sẽ tuyển sinh bằng 2 phương thức này, bởi phương thức xét tuyển thẳng chiếm không nhiều chỉ tiêu”.
Năm ngoái, số chỉ tiêu mà Trường ĐH Khoa học Tự nhiên dành cho phương án sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT là khoảng 90%. Như vậy, sự thay đổi này là không quá đáng kể.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho hay, mặc dù hiện nay trường chưa công bố phương án chính thức, song dự kiến sẽ không khác nhiều so với năm ngoái. Tức tỷ lệ của phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vào các ngành của trường vẫn chiếm đa số.
Theo ông Chương, dự kiến, số chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn khoảng từ 50%-70% trở lên tùy ngành. Năm ngoái con số này là 70%.
“Nếu có thay đổi thì chỉ là một số ngành có bổ sung phương thức xét tuyển bằng kết quả bài thi Đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức”, ông Chương nói.
Vì thế, theo ông Chương, có thể chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm, nhưng giảm nhẹ. Do đó, thí sinh không cần phải quá lo lắng.
Nhiều trường đại học khác, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm phần lớn.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội năm 2022 cũng tuyển sinh đến 6 phương thức, nhưng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, theo các tổ hợp môn xét tuyển tương ứng với ngành đăng ký xét tuyển có tổng chi tiêu dự kiến vẫn khoảng 60%.
HM (T/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.