Xử lý rác tại hộ gia đình: Biến rác thải thực phẩm thành tài nguyên

Xã hội
10:54 AM 25/02/2022

Hàng ngày, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt (chưa kể rác thải công nghiệp và rác thải y tế), trong đó, lượng rác thải thực phẩm chiếm số lượng khá lớn nhưng việc xử lý lại chủ yếu là đem chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí một lượng lớn nguồn nguyên liệu tái sử dụng. Vậy, đâu là giải pháp xử lý rác mang lại hiệu quả kinh tế trong tình hình hiện nay?

Còn nhiều bất cập

Từ nhiều năm qua, các hộ dân trên địa bàn thành phố thường gom tất cả rác thải sinh hoạt, như: vỏ các loại trái cây, rau, củ, vỏ trứng, bã mía, lá các loại bánh, đồ ăn dư thừa, đồ nhựa, bao bì, chai thủy tinh, bóng đèn các loại... cho vào ni lông để trước cửa nhà hoặc lề đường, chờ xe rác đến chở đi. Đôi khi, những người lượm ve chai lại mở các bịch rác, lục tung để kiếm tìm những thứ còn giá trị đem bán nhưng không cột lại như cũ, gây phát tán mùi hôi thối, làm mất mỹ quan đô thị, đó là chưa kể lượng rác thải rất lớn từ các chợ, nhà hàng, quán ăn, siêu thị, trường học....

Rác thải ở các trạm trung chuyển chở đi chôn lấp

Rác thải ở các trạm trung chuyển chở đi chôn lấp

Đáng chú ý là thời gian gần đây, có một số quận tổ chức tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác tại nguồn nhưng người thu gom rác lại bỏ chung trên xe (nên việc phân loại có cũng như không), chở đến các trạm trung chuyển, để chuyển đến các bãi chôn lấp rác của thành phố. Hiện nay, các bãi chôn lấp rác tại thành phố cũng đang trong tình trạng quá tải.

Giá trị của tái chế

Theo bà Lương Thị Thu Huyền - Công ty CP đầu tư phát triển ECO Việt Nam: "Khi rác thải thực phẩm tích tụ quy mô lớn và phân hủy trong môi trường yếm khí sẽ phát ra khí Metan - gây hiệu ứng nhà kính, góp phần làm biến đổi khí hậu, vi khuẩn lây lan phát sinh dịch bệnh, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và lãng phí nguồn tài nguyên từ rác thải. Tuy nhiên, nếu rác thải thực phẩm được xử lý hiệu quả, lại trở thành một nguồn tài nguyên, phục vụ đời sống. Do đó, việc tận dụng rác thải thực phẩm như một nguồn tài nguyên là xu hướng của thế giới, để vận hành một nền kinh tế tuần hoàn, hạn chế tác động gây ra ô nhiễm môi trường và tận dụng phế phẩm thành nguyên liệu".

Theo đó, trong quá trình sản xuất, thu hoạch và chế biến thực phẩm, chất thải rắn nông sản chế biến thường ở các công đoạn bóc, gọt, rửa, luộc, cắt và từ các sản phẩm phụ như bã ép, vỏ, còn tại các các huyện ngoại thành, rác thải thực phẩm rất lớn từ ngũ cốc, hoa quả, rau... có thể áp dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào khâu tái sản xuất cũng như đầu tư, xử lý chất thải làm phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn trong chăn nuôi, phân bón vi sinh đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Từ đó, bà Lương Thụ Thu Huyền nêu rõ giá trị của tái chế, đó là:

Việc ứng dụng các giải pháp tái chế tại chỗ loại bỏ nhu cầu đổ rác thải liên tục hàng ngày, giảm chi phí vận chuyển gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí nhân công xử lý rác.

- Tái chế tại chỗ giúp giảm thiểu vi khuẩn phát sinh gây dịch bệnh, tạo ra môi trường sống trong sạch, giúp cải thiện về sức khỏe.

- Chung tay bảo tồn và bảo vệ Trái đất bằng cách hạn chế tối đa rác thải thực phẩm được chôn lấp, giảm khí Metan được sinh ra.

- Thành phẩm phân bón có thể sử dụng chăm sóc cây cối hoặc có thể quyên góp cho các dự án cải tạo đất...

Tại cuộc hội thảo thích ứng an toàn - phục hồi kinh tế sau đại dịch theo hướng phát triển xanh, phù hợp nền kinh tế tuần hoàn do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP. Hồ Chí Minh tổ chức, đại diện ECO Việt Nam cho biết, hiện Công ty hiện đang bán ba dòng máy tái chế rác thực phẩm SmartCara của Hàn Quốc: Dòng SmartCara 350 có dung tích 2 lít (xử lý 2kg rác), giá trên 18 triệu đồng/sản phẩm, dòng SmartCara 500 có dung tích 5 lít, giá hơn 35 triệu đồng/sản phẩm và dòng SmartCara 400 dung tích 2 lít, giá hơn 24 triệu đồng/sản phẩm.

Thiết bị xử lý rác thải thực phẩm thành phân bón tại Triển lãm VINAMAC EXPO 2021

Thiết bị xử lý rác thải thực phẩm thành phân bón tại Triển lãm VINAMAC EXPO 2021

Các dòng máy trên hoạt động theo nguyên lý sấy khô, nghiền nhuyễn và khử mùi rác thực phẩm để cho ra thành phẩm phân bón, trong thời gian từ 3-5 giờ, không cần sử dụng thêm hóa chất để rác dễ phân hủy giống các dòng máy khác. Đặc biệt, rác trong quá trình xử lý và phân làm ra không có mùi hôi. Trong các thiết bị xử lý rác thực phẩm nói trên, hiện dòng SmartCara 350 được sử dụng nhiều vì khách hàng đa phần là hộ gia đình tại chung cư.

Đối với công nghệ tái chế của Oklin cho phép tạo ra quá trình ủ phân tự động và không có mùi, sử dụng nhiệt cà vi sinh Addulo- độc quyền của Oklin. Rác thải thực phẩm được chuyển hóa thành một loại đất giàu dinh dưỡng chỉ trong 24 giờ. Oklin sản xuất đa dạng các thiết bị và giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải thực phẩm tại chỗ trong các mô hình doanh nghiệp, nâng cao tính hiệu quả trong việc quản lý rác thải so với các phương pháp truyền thống khác

Đây là hướng đi đúng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, cần được các cấp, các ngành quan tâm để đưa ra các giải pháp triển khai phù hợp, đồng bộ, với sự tham gia tích cực của các hộ gia đình, doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.

Minh Yến
Ý kiến của bạn