Xử lý trường hợp kết hôn giả để có quốc tịch nước ngoài

Tư vấn
05:34 PM 20/10/2021

Hành vi kết hôn giả tạo bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Hiện nay, vẫn có không ít trường hợp lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, có quốc tịch nước ngoài,…

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là kết hôn giả tạo.

Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Như vậy, nhìn bề ngoài, việc kết hôn giả tạo vẫn giống với việc kết hôn thông thường, nhưng ở đây mục đích của việc kết hôn không phải để xây dựng gia đình mà nhằm thực hiện một hành vi khác như để nhập cảnh, có quốc tịch nước ngoài,...

Xử lý hành chính

Theo điểm d khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Xử lý kỷ luật

Theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình (trong đó có việc kết hôn giả tạo) thì sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:

- Đối với công chức: Tùy theo mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức.

- Đối với viên chức: Cũng tùy theo mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

Xử lý kỷ luật đảng

Đảng viên vi phạm quy định về cấm kết hôn thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ theo điểm a khoản 3 Điệu 24 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017.

Luật gia ĐỖ MINH CHÁNH
Ý kiến của bạn