Xứ Thanh - Một miền di sản
Xứ Thanh là vùng đất có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú. Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá nói chung, di sản văn hóa nói riêng, trong những năm qua, tỉnh luôn xác định bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả cộng đồng xã hội.
Xứ Thanh - vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, nơi tinh hoa văn hóa ngàn năm hội tụ vẫn luôn vinh dự và tự hào là "cái nôi" của nhiều lễ hội tiêu biểu, độc đáo gắn với di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng trong lịch sử dân tộc. Trong niềm vinh dự và tự hào ấy, mỗi thế hệ người dân Xứ Thanh càng phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của quê hương.
Mỗi năm, cứ vào trung tuần tháng 2 âm lịch, thành phố biển xinh đẹp Sầm Sơn lại mời gọi du khách thập phương trở về với đền Độc Cước, tham dự lễ hội cầu phúc. Ngôi đền thiêng tọa lạc trên Hòn Cổ Giải, quanh năm nghe tiếng sóng biển rì rào dội vào vách đá và những mong cầu, ước nguyện của ngàn vạn du khách ghé thăm.
Theo cuốn "Linh tích Sầm Sơn" (Hoàng Thăng Ngói, NXB Thanh Hóa, tập 1) cho biết: Lễ cầu phúc đền Độc Cước là đại tế của xã Lương Niệm xưa, gồm 4 làng lớn nhất của vùng biển Sầm Sơn, 4 năm tổ chức một lần vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Làng đăng cai tổ chức phải chuẩn bị bãi và tất cả mọi chi phí, kể cả lễ vật dâng cúng thần. Các làng rước kiệu Thành Hoàng làng mình về nơi tổ chức lễ hội, kiệu thần Độc Cước được đặt ở vị trí số một, sau đó đến kiệu các làng theo thứ tự thần sắc: Thượng thượng đẳng, Trung đẳng thần…
Vui nhất là cả vùng Sầm Sơn rước kiệu oai phong, lộng lẫy diễu qua các làng dọc bãi biển rồi hội tụ về khu vực Đền Độc Cước. Ngoài ra, người dân được hòa mình vào phần hội với nhiều hoạt động độc đáo như: Kéo co, vật tay, cà kheo… mang đậm sắc thái văn hóa vùng biển.
Thế nhưng suốt một thời gian dài, lễ hội cầu phúc đền Độc Cước bị mai một. Đến năm 2008, ngành văn hóa Sầm Sơn mới chính thức khôi phục lại lễ hội này. Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước được phục dựng trên cơ sở lệ tục, phong tục mà cộng đồng cư dân lưu giữ như: Nghi thức tế lễ, rước thần, lễ vật…
Một trong những lễ hội mở màn cho mùa lễ hội xuân hàng năm của tỉnh Thanh Hóa là lễ dâng hương khai hội tại đền thờ Vua Lê Thái Tổ, thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân) diễn ra trong không khí trang nghiêm, tưởng nhớ công đức của vị vua mở đầu vương triều Nhà Lê tồn tại 361 năm và các bậc tiền nhân, cũng là để cầu mong một năm an vui, thịnh vượng. Sau phần lẽ, phần hội là các trò diển dân gian Xuân Phả, du khách tiếp tục hành trình mùa xuân của mình khi bước vào chính điện Khu Di tích lịch sử hào hùng của vương triều tồn tại lâu nhất trong lịch sử Việt Nam…
Lễ hội đền Bà Triệu nhằm tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh - người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Đông Ngô vào năm 248. Lễ hội đền Bà Triệu luôn được tổ chức quy mô lớn. Bởi ngoài việc tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, đồng thời đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di sản lịch sử đền Bà Triệu được xây dựng cách đây gần 2.000 năm tuổi. Niềm vui được nhân lên khi Bộ VHTTDL công nhận Lễ hội đền Bà Triệu là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mảnh đất nằm bên bờ sông Mã - xã Thiệu Quang (huyện Thiệu Hóa) nói riêng, Xứ Thanh nói chung vừa đón nhận thêm niềm vui khi nghệ thuật trình diễn dân gian múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hoạt động trên gắn liền với lễ hộiNgư võng phường làng Nhân Cao.
Đây là lễ hội mang nét đặc trưng của văn hóa sông nước, gợi lại trong tâm thức thế hệ cháu con làng Nhân Cao hôm nay và mai sau hình dung về một thời quá vãng của làng, tự thuở con tôm, con tép nuôi lớn bao ước mơ, hoài bảo…
Lễ hội Ngư võng phường được tổ chức trong 4 ngày (từ ngày mùng 8 đến 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm). Trong lễ hội, bên cạnh múa đền chạy chữ, hát chèo chải cổ, làng còn tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi, trò diễn dân gian như: rước thuyền, đánh đu, cờ người, múa lân…
Theo thống kê, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó, báo cáo từ sở VHTT&DL, xứ Thanh có khoảng gần 3.000 lễ hội, cụ thể: 4 lễ hội truyền thống cấp tỉnh, 1 lễ hội văn hóa, du lịch cấp tỉnh, 273 lễ hội cấp huyện, xã (262 lễ hội truyền thống, 11 lễ hội văn hóa du lịch).
Riêng xứ Thanh có 15 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó sự góp mặt của các lễ hội truyền thống là những nét chấm phá độc đáo, không chỉ góp phần làm đa dạng, phong phú mà còn cho thấy mạch nguồn lịch sử, tinh hoa văn hóa lắng động hàng trăm năm như: Lễ hội Kin Bọoc May (xã Xuân Phúc, Như Thanh), Lễ hội Cầu Ngư (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc), Lễ hội đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Lễ hội đền Độc Cước (TP. Sầm Sơn), Lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa)…
Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung (bao gồm di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể) có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với chương trình phát triển du lịch đạt nhiều kết quả.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra nhiều khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực này. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới chỉ được kiểm kê và nhận diện, chưa có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả nên đã bị mai một do không truyền dạy được cho thế hệ sau (thất truyền) hoặc không được cộng đồng thường xuyên thực hành…
Việc thực hành di sản phi vật thể, đặc biệt là lĩnh vực trình diễn dân gian là công việc khó, đòi hỏi phải có sự tâm huyết, nhiệt tình, đầu tư thời gian, công sức từ phía người học và người truyền dạy. Trong khi đó, hiện nay, trước áp lực của nền kinh tế thị trường, sức hấp dẫn từ những điều mới mẻ, nhiều người trẻ không mấy mặn mà, đam mê trong việc tiếp nối truyền thống của ông cha. Và ở chiều ngược lại, cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ nhân hoạt động trong loại hình văn hóa phi vật thể còn hạn chế, chưa tương xứng…
Mặt khác, nguồn kinh phí đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay chưa nhiều, kể cả các di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa quốc gia…
Bà Cao Thị Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP. Sầm Sơn chia sẻ: Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm từ các cấp, các ngành của tỉnh, lãnh đạo thành phố, công tác quản lý Nhà nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trong đó có lễ hội tại Sầm Sơn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trên thực tế, các quy chế về công tác quản lý Nhà nước đối với lễ hội còn hạn chế, thiếu tính hệ thống, đồng bộ để các cấp cơ sở có "khung" tham chiếu, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; cơ chế, chính sách dành cho người quản lý di tích, người truyền dạy, thực hành di sản văn hóa phi vật thể nói chung còn thiếu và yếu; các thủ tục hành chính liên quan công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản, nhất là đối với các di tích cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt, các lễ hội đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thiếu tính linh hoạt…
Hiện nay, những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc, thể hiện rõ nhu cầu và bản sắc đặc trưng riêng. Đây chính là tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhận thức được điều này, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ công tác về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, đưa di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể là tài nguyên phong phú và trở thành sản phẩm du lịch lợi thế trên vùng đất: Xứ Thanh - ngàn năm văn hiến.
Triều NguyệtGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.