Xét trong lịch sử thì Thanh Hóa không phải là nơi phồn hoa đô hội, cũng không phải là trung tâm kinh tế trọng yếu của đất nước, nhưng cái nôi hội nhập giữa nền văn hóa ngàn năm đến từ phương Bắc với nền văn hóa bản địa và văn hóa phương Nam truyền ra, để tạo nên nét đặc thù gọi là Văn hóa xứ Thanh.
Trong trường lịch sử, vùng đất Cửu Chân - Châu Ái - Xứ Thanh lúc nào cũng là vùng đất trọng yếu gắn bó mật thiết với sự ra đời, tồn vong và phát triển của dân tộc, đồng thời liên tục gánh những trọng trách nặng nề khi Tổ quốc lâm nguy…
Không phải ngẫu nhiên, học giả người Pháp H.LeBreton đã viết và giới thiệu khái quát hệ thống về đất - nước - con người Thanh Hóa một cách xúc tích và rất trân trọng. Ông viết: "Thanh Hóa - Sân khấu của những bản anh hùng ca vĩ đại của lịch sử nước An Nam". Và trên những trang viết của mình, H.LeBreton có sự nhìn nhận, đánh giá rất cao và khách quan về vai trò đặc biệt của Thanh Hóa trong quá trình chống xâm lược để giành và giữ quyền độc lập, tự chủ cho quốc gia Đại Việt mà cho đến nay, những trang viết ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Một điều đặc sắc và thú vị hơn nữa, đó là cái nghĩa và cái nhớ về xứ Thanh có gì đó rất cụ thể mà tha thiết lạ thường, chứa chan tình cảm:
"Ai về nhớ vải Định Hòa/ Nhớ cau Hổ Bái, nhớ cà Đan Nê/ Nhớ dừa Quảng Hán, Lựu Khê/ Nhớ cơm chợ Bản, thịt dê Quán Lào".
Khu bảo tồn thiên nhiên Phù Luông Suối cá Cẩm Lương Thành nhà Hồ được CNN bình chọn là di sản nổi bật nhất thế giới
Sự giàu đẹp của quê hương xứ sở được hun đúc, kết tụ và chắt lọc trong quá trình lịch sử đã làm cho lĩnh vực ẩm thực của xứ Thanh cũng trở nên phong phú, độc đáo. Không nhớ sao được. Đây là xứ sở quê hương của nhiều đặc sản nổi tiếng mà kẻ gần, người xa đều phải trầm trồ khen ngợi như: Quế Thường Xuân, Cam giấy Làng Giàng, Thuốc lá Sóc Sơn, Chè Lam Phủ Quảng, nước mắm Do Xuyên, dừa Hoàng Hóa, mía ngọt Kim Tân, Bánh gai Tứ Trụ, Chè Lược Thọ Xuân, Bánh chưng Cầu Hậu, nem chua, bánh khoái nồi rang Bờ Hồ; Chả tôm phố Nhà Thờ .v.v… Chính những thứ này đã tạo cho xứ Thanh một dư vị độc đáo, đậm đà riêng biệt mà xứ khác không thể nào có được. Chỉ cần một thứ đặc sản mà tên tuổi của xứ Thanh cũng đã thấm sâu vào nỗi nhớ và tình cảm của người miền xa như "Nem xứ Huế, Quế xứ Thanh" là vậy.
Bên cạnh những đặc sản nổi tiếng trên, xứ Thanh còn có rất nhiều sản phẩm thủ công truyền thống lừng danh như: Chiếu Nga Sơn, lụa Đông Hồ, đồ đá Làng Nhồi, đồ đồng Chè Đông.v.v… Không hiểu thế nào mà trong câu ca dao ngợi ca sản vật đất nước, người ta lại xếp "Chiếu Nga Sơn" lên trên "Gạch Bát Tràng" rồi mới lần lượt đến "Vải tơ Nam Định, Lụa hàng Hà Đông". Nghe ra thì thấy sự sắp đặt của câu ca cũng có lý và ý nhị thôi, bởi vì chiếu Nga Sơn (đặc biệt là chiếu ở vùng Tam Tổng, là loại chiếu mà nhân dân vẫn cứ lưu truyền: "Vừa rộng vừa bền, mùa hè mát lưng, mùa đông ấm cật".
Xứ Thanh còn là quê hương bạt ngàn của tre, nứa, luồng, song, mây và nhiều loại gỗ quý. Cho nên nghề đan lát và nghề đóng đồ gỗ rất thịnh hành. Từ đất Kinh Bắc và Thăng Long văn vật đến cố đô Huế, ở đâu cũng thấy sự có mặt của các nghệ nhân điêu khắc gỗ Đại Tài. Rất nhiều tác phẩm của họ vẫn còn để lại tên tuổi trên các chùa chiền, miếu mạo, lăng tẩm, điện đài nổi tiếng ở các miền trong nước.
Xứ Thanh không chỉ giàu có về đặc sản, mà xứ Thanh còn phong phú về cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, rất đúng như lời quả quyết của GS Hoàng Xuân Hãn (ở cuốn sách về Lý Thường Kiệt của ông) rằng: "Với núi sông thắng tích của đất nước Việt Nam không đâu phong phú và đẹp đẽ bằng Thanh Hóa". Cho nên từ lâu, người ta vẫn xem xứ Thanh như người bạn tình, tri kỷ không thể nào dứt được. Sống ở xa xứ Thanh, nhưng họ vẫn nhớ mong và khát vọng thiết tha đến những cái đẹp quyến rũ, như là tiếng ca say đắm về tình yêu - phép màu xoa dịu mọi niềm đau. Cái đẹp say lòng của Hàm Rồng kỳ thú và rung động hồn thơ. Đó chính là bức tranh sơn thủy khổng lồ hoàn hảo và lung linh đủ mọi sắc màu sinh động của đồng ruộng - núi - sông - xóm làng - biển cả và hải đảo. Ca dao cổ có câu:
"Thanh Hóa thắng địa là nơi/ Rồng vờn hạt ngọc, hạc bơi chân Thành; Ai xui ta nhớ Hàm Rồng/ Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây"
Sau những đêm dài nô lệ vừng đông bừng sáng của thời đại Hồ Chí Minh, xứ Thanh lại càng thanh trong sắc ngọc, và cái đẹp còn hơn vạn lần xưa. Từ đỉnh cao thời đại, Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc đã nhìn về xứ Thanh trong cái đẹp hồn xuân phơi phới:
"Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng/Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên".
Bên cạnh cái đẹp, cái giàu có vô tận của tài nguyên thiên nhiên phong phú, đã và đang mở ra cho xứ này một tiềm năng phát triển kinh tế thật lớn lao. Rừng rộng biển dài là một nguồn lực to lớn thường xuyên cung cấp cho nhu cầu đời sống và xuất khẩu - các dòng sông Chu, sông Mã, sông Mực, sông Bưởi… ngày đêm trở nặng phù sa cho lúa, ngô, khoai… xanh biếc đôi bờ. Và, trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, xứ Thanh đã trở thành "Sân khấu của những bản anh hùng ca vĩ đại của lịch sử nước An Nam". Và ở thời kỳ lịch sử nào cũng vậy. Càng thấm thía nỗi đau chiến tranh, khát vọng hòa bình càng trở nên tha thiết. Vì thế, xứ Thanh lại có những đóng góp vô cùng quan trọng và lớn lao cho dân tộc.
Một số điểm du lịch tại Thanh Hóa theo thứ tự từ trên xuống là: Đền thờ Lê Hoàn; Đền thờ Mai An Tiêm; Lam Kinh; Phủ Trịnh; Động Từ Thức; Đền Sòng; Đền Bà Triệu; Chùa Báo Ân; Đền Phố Cát.
Tự hào biết bao, xứ Thanh của văn hóa núi Đọ, của văn hóa Đông Sơn, của Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc, của Lam Sơn tụ nghĩa bình Ngô, của Ba Đình, Mã Cao văn hiến lâu đời và phong phú. Đã một thời, xứ này cũng từng là đất kinh đô của nhà Hồ (đầu thế kỷ XV) và đất kinh đô của nhà Lê Trung Hưng thời chống Mạc (thế kỷ XVI). Biết bao công trình kiến trúc nghệ thuật trong suốt cả nghìn năm phong kiến đã từng hiện hữu trên dải đất này. Từ Thành nhà Hồ uy nghi tráng lệ và kiến trúc điện miếu, lăng mộ ở Lam Kinh đến hàng trăm bia đá, gỗ, đồng vẫn giúp chúng ta hình dung một cách khái quát, sinh động về vùng đất nghìn xưa văn hiến rất đáng tự hào này.
Xứ Thanh còn là vùng đất chứa đựng một tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể vô cùng lớn. Do vậy, việc khai thác những giá trị di sản văn hóa này trong phát triển du lịch chắc chắn sẽ mạng lại những kết quả tốt đẹp. Có thể nói, trên vùng đất xứ Thanh văn hiến, kho tàng văn nghệ dân gian quả là vô tận. Đây chính là quê hương của hò sông Mã, của các làn điệu ca trù, của hát múa Đông Anh, trò Xuân Phả và trò Chiềng, của điệu múa Pồn Pông, Khua luống và Kin Chiêng Booc mạy, của tục ngữ, ca dao, hò vè, truyện cười và truyện cổ tích cùng biết bao huyền tích, huyền thoại. Chúng ta sẽ còn ngạc nhiên về một pho tượng cổ tích trên quê hương đất Thanh. Chẳng thế mà thi nhân Nguyễn Minh Khiêm đã có lý khi ông lưu bút:
"Đâu cũng thần núi, thần sông/ Đâu cũng truyền thuyết thêu trong dệt ngoài/ Ngõ quê vang tiếng trạng cười/ Rạ rơm ăm ắp những lời giao duyên"/ Rồi "Sức ai cũng sức ông Bùng/ Chí ai cũng chí anh hùng cưỡi voi" (trích Cứ về Thanh Hóa một lần). Những câu thơ ấy đã có sức lay động mãnh liệt đến cõi lòng những người từng đi qua chiến tranh. Phải chăng đó cũng chính là điều kỳ diệu khiến vẻ đẹp về quê hương - đất nước - con người xứ Thanh luôn lan tỏa trong tâm hồn tôi, níu giữ trong trái tim tôi từ thời thơ bé?
Bên cạnh cái thơ mộng của sự giàu đẹp - cái đa dạng và sinh động của chất màu lịch sử; đây còn là vùng đất ngàn xưa văn vật, rất đỗi anh hùng, luôn mang lại những niềm vinh quang bất tử cho Tổ quốc. Trong chiều dài lịch sử, xứ Thanh như thu nhỏ và dồn tụ những vẻ đẹp đặc trưng tiêu biểu của truyền thống dân tộc. Tuy chưa khái quát được hết tất cả, nhưng có phần chỉ ra được những nét cơ bản, chân thành, mà sâu sắc, kiên trung, anh dũng, và chung tình trọn nghĩa… Trong đó còn ẩn sâu bao tầng văn hóa về chất màu lịch sử của cha ông?
Còn nữa, trong quá trình đồng hành cùng dân tộc, xứ Thanh luôn được xem là vùng đất "phên dậu" - "một vùng đất căn bản" đã giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Và vùng đất ấy đã sản sinh ra 3 dòng vua, 2 dòng chúa và nhiều anh hùng, võ tướng, danh nhân tiêu biểu, làm nên bản sắc lịch sử văn hóa xứ Thanh hết sức đậm nét và đa dạng.
Từ buổi ấy, cánh chim Lạc Việt và nhịp trống đồng Đông Sơn trầm hùng cứ thế dẫn dắt các thế hệ cháu con xứ Thanh đi theo guồng quay của lịch sử dân tộc để góp phần soạn trọn bài ca dựng nước và giữ nước, sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam.
Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, xứ Thanh cũng là địa bàn cách mạng kiên cường. Và trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp thì xứ Thanh là một pháo đài bất khả xâm phạm, một hậu phương to lớn, góp phần quan trọng cho chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Bác Hồ nói: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa có một phần vinh dự đến đó".
Rồi đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xứ Thanh lại tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến và bảo vệ vững chắc hậu phương XHCN.
Sẽ là thiếu sót, nếu không nhắc đến xứ Thanh còn là nơi sản sinh ra nhiều học giả lỗi lạc mà tên tuổi và tác phẩm của họ còn lừng danh mãi mãi. Từ Lê Văn Hưu, tác giả Đại Việt Sử ký toàn thư là nhà viết Sử đầu tiên của Việt Nam đến các nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng: Cao Bá Quát, Nguyễn Mộng Tuân, Phan Phu Tiên, Nhữ Bá Sĩ, Đào Duy Từ.v.v.. đều là những danh nhân nổi tiếng của đất nước. Ngoài ra, ở xứ Thanh còn có một nhà bác học đó là Hồ Nguyên Trừng (thế kỷ XIV) - người đầu tiên ở Việt Nam chế tạo được đại bác (tức súng thần công) có sức công phá hơn bất kỳ loại vũ khí nào của Trung Quốc lúc đó.
Sự giàu đẹp của quê hương xứ sở lại được kết tụ chắt lọc bởi truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời cho nên, người xứ Thanh đã tạo cho mình được phong cách riêng khá đậm nét. Lịch triều hiến chương loại chí thì nhận xét về người xứ Thanh: "Phong tục thì phóng khoáng và cương nghị", "cương nghị" là "chuộng điều nghĩa", vì thế, xứ Thanh mới trở thành "Sân khấu của những bản anh hùng ca vĩ đại của lịch sử nước An Nam".
Khi cả nước đang có sự chuyển động, bứt phá mạnh mẽ trong công cuộc hội nhập, phát triển, CNH-HĐH theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xứ Thanh đã và đang ra sức phấn đấu vươn lên thành một tỉnh giàu mạnh ở khu vực Bắc miền Trung để xứng đáng với vùng đất giàu truyền thống lịch sử oai hùng. Phát huy và kế thừa truyền thống anh hùng, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong những năm qua, Thanh Hóa đã có bước phát triển đột phá trên tất cả các lĩnh vực. An ninh chính trị được giữ vững. Vì thế, và càng không phải ngẫu nhiên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được con dân xứ Thanh kỳ vọng sẽ đưa Thanh Hóa "cất cánh" trong tương lai không xa.
Nghị quyết 58 không chỉ là mốc son quan trọng trong chặng đường xây dựng và phát triển của Thanh Hóa, mà còn khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thanh Hóa đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là lần đầu tiên, là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, là sự ghi nhận, đánh giá cao của Trung ương về những đóng góp của Thanh Hóa cho đất nước từ trước đến nay.
Nghị quyết 58 đã mở ra cho Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới, đó cũng chính là sự nổi trội khác biệt, để Thanh Hóa tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đột phá trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc…
Thế nhưng, để biến "khát vọng" thành hiện thực không phải chỉ hô vang những mệnh lệnh mà phải bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lý luận soi đường; về tư duy khoa học nắm thời cơ và chớp thời cơ; về đoàn kết và đặc biệt là cần lắm một đội ngũ cán bộ "chí công vô tư", trước "trận đánh lớn". Khi "mệnh lệnh" được truyền đi, nhân dân sẽ "nhất tề" đứng dậy xây dựng cuộc đời mới. Truyền thống yêu nước của người xứ Thanh lại được nhân lên, tỏa sáng và trở thành nguồn lực vật chất to lớn; bởi nhân dân luôn là bức tường thành vững chãi của cách mạng, của công cuộc đổi mới đất nước…
Với "khát vọng thịnh vượng" Thanh Hóa sẽ sớm trở thành "Tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.
Bài: Triều Nguyệt - Yến Hoàng
Trình bày: Nhữ Đức Hiếu