Xứ Thanh - Xứ Quảng tình sâu nghĩa nặng

Địa phương
03:38 PM 14/03/2025

Sức mạnh được tạo nên từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã trở thành “bức tường thành” vững chãi, để xây dựng CNXH và đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Mối quan hệ keo sơn giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam, đã trở thành một biểu tượng sáng ngời cho ngọn lửa chiến tranh yêu nước, nghĩa tình thủy chung son sắt, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (họp từ ngày 16/2/1960) đã quyết định kết nghĩa 2 tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam. Trên tinh thần đó, ngày 12/3/1960, đồng bào Thanh Hóa tổ chức lễ kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam (tại thị xã Thanh Hóa, nay là thành phố Thanh Hóa).

Mối quan hệ thủy chung, son sắt của hai tỉnh được vun đắp và duy trì bền chặt từ những ngày đầu kết nghĩa. Điều này xuất phát từ tình cảm và trách nhiêm của người xứ Thanh đối với Quảng Nam trung dũng anh hùng. Để đến lượt mình, người dân xứ Quảng cũng luôn dành tình cảm sâu nặng ân tình đối với xứ Thanh kết nghĩa.

Xứ Thanh - Xứ Quảng tình sâu nghĩa nặng- Ảnh 1.

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Quảng Nam.

Trong những năm đánh Mỹ, hòa trong tình cảm Bắc - Nam ruột thịt, mối quan hệ mật thiết ruột rà giữa mảnh đất và con người Thanh Hóa và Quảng Nam đã để lại nhiều dấu ấn khó phai và hết sức có ý nghĩa.

Sau thời điểm ấy, các huyện của hai tỉnh lần lượt làm lễ kết nghĩa, bao gồm thị xã Thanh Hóa với thị xã Hội An, các huyện Tĩnh Gia với Đại Lộc, Hoằng Hóa với Điện Bàn, Đông Sơn với Thăng Bình, Quảng Xương với Hòa Vang, Thọ Xuân với Quế Sơn...

Cùng với đó, các phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa với tinh thần vì Quảng Nam kết nghĩa diễn ra rộng khắp. Từ các phong trào "ba đảm đang", "ba sẵn sàng"... một trong những sự kiện quan trọng để lại dấu ấn khó phai là năm 1968, Trung ương quyết định điều động Công ty thuyền nan vào tuyến lửa. Tỉnh ủy Thanh Hóa đã sẵn sàng và có quyết định đổi "Công ty thuyền nan chống Mỹ cứu nước" thành "Đoàn vận tải Lam Sơn". 

Ngày 12/2/1969, tỉnh Thanh Hóa tổ chức hàng trăm thuyền nan vượt biển chuyển khoảng 130.400 tấn hàng phục vụ chiến đấu tại chiến trường B.

Đáp lại tình cảm và sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của Thanh Hóa kết nghĩa, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong suốt hơn 20 năm khói lửa chiến tranh càng thấm nhuần lời của Bác "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Do đó, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Quảng Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết làm rạng rỡ thêm danh hiệu "Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ" và "Thành đồng quyết thắng".

Dấu ấn xứ Quảng trên đất xứ Thanh

Thanh Hóa - Quảng Nam là hai địa phương có mối quan hệ gắn bó, thủy chung son sắt và nghĩa tình. Điều đó đã được minh chứng từ trong lịch sử đến hiện tại. Những năm tháng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh đã đoàn kết, đồng lòng, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ khó khăn với nhau. Và trong giai đoạn hiện nay, hai tỉnh luôn đoàn kết, thường xuyên hỗ trợ nhau thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ. Mối quan hệ đặc biệt ấy được khẳng định, ghi dấu trong tâm tưởng của mỗi người dân và những công trình trên quê hương Thanh Hóa và Quảng Nam.

Xứ Thanh - Xứ Quảng tình sâu nghĩa nặng- Ảnh 2.

Phố cổ Hội An trong lòng Công viên Hội An mới được đầu tư hơn 155 tỷ đồng để nâng cấp. Ảnh: Văn Thanh

Trước hết phải nhắc đến Công viên Hội An - Công viên được xếp hạng đẹp nhất, nằm giữa lòng thành phố Thanh Hóa, là một công trình ghi dấu ấn cho mối quan hệ gắn bó, nghĩa tình của hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam. Công viên có diện tích khoảng 22ha được quy hoạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, giải trí của người dân.

Công viên hội An có nhiều hạng mục mang đậm dấu ấn của hai địa phương như: 2 trụ biểu khắc dòng chữ "Thành phố Thanh Hóa - TP Hội An - Tình sâu nghĩa nặng, son sắt thủy chung" được làm bằng đất từ làng gốm Thanh Hòa nổi tiếng xứ Quảng. Công viên được thiết kế làm theo phong cách kiến trúc Hội An, do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đóng góp xây dựng tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa. 

Phiên bản chùa Cầu - dãy phố cổ Hội An được xây dựng với diện tích gần 1.000m2, bao gồm 15 căn nhà gỗ, trong đó có 9 căn nhà 1 tầng và 6 căn nhà hai tầng - là vùng lõi đặc trưng của khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới.

Chùa Cầu Hội An ở Thanh Hóa được bắc qua mặt hồ nước nhỏ thơ mộng nằm trong công viên, tạo thêm nét đẹp tương đồng với chùa Cầu Hội An, bắc qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn (Quảng Nam). Điều này đã khiến phiên bản chùa Cầu - dãy phố cổ Hội An trở nên ấn tượng, chân thực, hấp dẫn người dân...

Ngày nay Công viên Hội An đã trở thành địa điểm tổ chức tuần lễ văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An cũng như nhiều sự kiện văn hóa, giải trí, du lịch của địa phương. Các hoạt động tại công viên Hội An đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

Công viên Hội An còn là một điểm đến hấp dẫn, nhắc nhở và giáo dục thế hệ trẻ về mối lương duyên đặc biệt của hai tỉnh, về lịch sử, truyền thống hào hùng của hai địa phương kết nghĩa.

Khi nói đến các công trình mang dấu ấn xứ Quảng thì không chỉ là Công viên Hội An, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Công viên Tam Kỳ mà còn rất nhiều công trình, công viên, trường học, nhà ở cho người nghèo, người có công đã được xây dựng. 

Những công trình này nhằm gắn kết hơn nữa tình nghĩa hai địa phương Thanh Hóa - Quảng Nam cũng như: Hoằng Hóa - Điên Bàn, Thọ Xuân - Quế Sơn; Triệu Sơn - Tam Kỳ. Các công trình như những "chứng nhân" khẳng định mối quan hệ nghĩa tình, gắn bó Thanh Hóa - Quảng Nam trong quá khứ, hiện tại và cả mai sau.

Trải qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh kiên cường bất khuất vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam đã hun đúc và tô thắm những sự kiện lịch sử thiêng liêng. Kỷ niệm 65 năm Thanh Hóa - Quảng Nam (12/3/1960 - 12/3/2025) kết nghĩa là dịp ôn lại truyền thống cao đẹp, vững bước tiến tới tương lai tươi sáng, tô thắm quan hệ kết nghĩa giữa tỉnh Thanh và xứ Quảng anh hùng.

Xứ Thanh - Xứ Quảng không chỉ là một vùng đất trên bản đồ, mà còn là một phần tâm hồn của người dân hai tỉnh kết nghĩa keo sơn, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, tình yêu thương và niềm tự hào dân tộc. Mỗi khi nghĩ về quê hương Thanh Hóa - Quảng Nam, những người con xứ Thanh như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục hành trình đi đến tương lai tươi sáng, trong thế kỷ mới, thế kỷ vươn mình của dân tộc.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, kết nối toàn cầu Phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, kết nối toàn cầu

Sáng 28/3, tại Bảo tàng Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" (Chương trình số 06-CTr/TU) tổng kết chương trình sau hơn 4 năm triển khai.