Tạo nền tảng kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc hỗ trợ cho hàng xuất khẩu ‘bay xa’

Xây dựng hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia TCVN về truy xuất nguồn gốc, đồng thời đẩy mạnh các hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy và hỗ trợ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng.

    Thanh Long sẽ là loại trái cây đầu tiên được dán tem truy xuất nguồn gốc của NBD và CCIC khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

    Nhanh chóng xây dựng hệ thống TCVN về truy xuất nguồn gốc

    Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia TCVN về truy xuất nguồn gốc nhằm tạo nền tảng kỹ thuật giúp cho thông tin về sản phẩm hàng hóa minh bạch, thuận lợi cho xuất khẩu. Theo đó, đến năm 2020 xây dựng, ban hành tối thiểu 05 tiêu chuẩn quốc gia, 01 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng. Đến năm 2025, xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 02 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể.

    Theo ông Bùi Bá Chính, Phó giám đốc, Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, bên cạnh việc tiến hành rà soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc, hiện Bộ KH&CN đã phê duyệt kế hoạch xây dựng 09 TCVN về truy xuất ngồn gốc, đến nay Bộ KH&CN công bố 03 TCVN về Truy xuất nguồn gốc, bao gồm: TCVN 12827:2019 Truy xuất nguồn gốc- Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi; TCVN 12850:2019 Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc; TCVN 12851:2019 Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc.

    “Hiện Bộ KH&CN đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo ban đầu cho các TCVN về truy xuất nguồn gốc - yêu cầu về thể thức vật mang dữ liệu; yêu cầu về mã truy vết địa điểm và mã truy vết sản phẩm và bắt đầu tiến hành nghiên cứu, xây dựng dự thảo QCVN về quy trình truy xuất nguồn gốc rau, quả tươi”, ông Chính cho biết.

    Bên cạnh đó, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia còn triển khai mô hình hoạt động chứng nhận sự phù hợp (bên thứ ba) đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc; Xây dựng chương trình chứng nhận sự phù hợp, đồng thời xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ KH&CN chỉ định đơn vị công nhận chương trình chứng nhận và chỉ định 1 tổ chức chứng nhận áp dụng mô hình chứng nhận sự phù hợp trên.

    Cũng theo ông Chính, để đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ được hoàn thiện, bảo đảm nhu cầu trao đổi, khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; hoàn thiện hệ thống quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

    Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia và Tập đoàn CCIC Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác thực hiện truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

    Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia và Tập đoàn CCIC Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác thực hiện truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

    Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ hàng xuất khẩu

    Trước những quy định khắt khe từ phía Trung Quốc về bắt buộc đối với nông sản xuất khẩu sang nước này như yêu cầu về: kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa, chứng nhận chất lượng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.., từ 2019, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã chủ động làm việc với Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Hoa (CCIC) và thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, hai bên sẽ thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau. Đặc biệt, hệ thống hai bên phải đảm bảo kết quả được Hải quan Trung Quốc chấp nhận để phục vụ thủ tục xuất nhập khẩu, tạo đà bứt phá cho nông sản Việt.

     

    Tem truy xuất nguồn gốc do Tập đoàn chứng nhận và Giám định Trung Quốc CCIC phối hợp với NBC cấp, được hải quan Trung Quốc chấp nhận phục vụ nghiệp vụ thông quan. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp tiết giảm thời gian thông quan đáng kể. Điều này giúp gỡ rối, khơi thông các vấn đề đang trở thành rào cản trong xuất khẩu nông sản, là bước đi tích cực và chủ động giúp doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi trong giao thương, thúc đẩy xuất khẩu phát triển.

    Ông Bùi Bá Chính - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia

    Cũng trong thỏa thuận hợp tác này, hai bên thống nhất NBC sẽ xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc để kết nối hệ thống chung của CCIC đồng thời thúc đẩy hải quan hai bên công nhận toàn diện kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau, thực hiện thuận tiện giao dịch thương mại.

    Hai bên phát huy ưu điểm, tăng cường giao lưu và hợp tác sâu rộng với hải quan mỗi nước, thông qua thiết lập Hệ thống Truy xuất nguồn gốc toàn diện, phù hợp yêu cầu: tiện lợi, hữu hiệu, đáng tin cậy của hải quan về các sản phẩm, kiểm tra được nguồn vào, biết được điểm đến, quy được trách nhiệm.

    Sự tham gia của NBC và CCIC từ hai quốc gia trong cùng một thỏa thuận hợp tác sẽ đảm bảo tốt nhất cho sự thành công của truy xuất nguồn gốc và trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc bởi mỗi bên tham gia đều có một thế mạnh, lợi thế riêng.

    Sau khi kí Biên bản ghi nhớ hợp tác khung và nghiên cứu tình hình thực tế tại Việt Nam, hai bên đã thống nhất chi tiết về mặt kỹ thuật và bắt đầu triển khai từ 12/2019, thực hiện nội dung tiến tới hợp tác và thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau một cách toàn diện đồng thời thúc đẩy và hỗ trợ thông quan đối với các sản phẩm hàng hóa nông sản xuất, nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc.

    Cũng theo CCIC, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ siết chặt kiểm soát mã vùng trồng, mã xưởng. Vì vậy các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam đang có hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc cần cập nhật thông tin để kịp thời nắm bắt tình hình tránh những rủi ro cho sản phẩm của mình.

    Theo ông Bùi Bá Chính, nhằm thúc đẩy và hỗ trợ thông quan đối với các sản phẩm hàng hóa nông sản xuất, nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc, để thực hiện dán tem truy xuất đúng quy định, chuyên gia của NBC và CCIC đang thực hiện đánh giá mã vùng, mã xưởng, kê khai thông tin sản phẩm thí điểm đối với sản phẩm thanh long tại Bình Thuận, thanh long là 1 trong 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

    Dự kiến, container đầu tiên được gắn tem truy xuất nguồn gốc sẽ được thông quan nhanh chóng tại Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn với thời gian thông quan chỉ còn 3-5 phút thay vì 3-4h trước đây.

    Hà Thủy
    Ý kiến của bạn