Cho đến bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, bên tai tôi vẫn còn vang vẳng giọng nói sang sảng của ông giục bài anh chị em phóng viên. Ông thường gọi tôi một cách thân tình: "Nay có gì không mày?". Nghe tiếng ông qua telephone, tôi lại bỏ dở tất cả mọi việc, dựng tóc gáy, đảo mắt, vểnh tai nghe ngóng khắp nơi, những mong tìm kiếm được đề tài gì đó để viết. Mà chẳng phải riêng tôi, tất cả mọi người trong cơ quan đều "bị" vị Tổng Biên tập ấy cuốn hút trong vòng xoáy công việc như thế. Cũng bởi, chúng tôi từng có một vị thủ lĩnh có nhiệt huyết làm việc phi thường bất kể ngày lẫn đêm, không lúc nào ngơi nghỉ…
Còn nhớ ngữ này năm ngoái, khi công tác thực hiện số báo Xuân đang vào giai đoạn gấp rút cũng là lúc người "tổng tư lệnh" của chúng tôi đổ bệnh và bắt đầu hành trình những ngày nằm viện. Ông chỉ nói qua quýt vài thông tin về bệnh tình của mình với anh em văn phòng tòa soạn rồi nhập viện và dặn đừng nói với ai để không ảnh hưởng đến tinh thần mọi người. Dù nằm viện điều trị, ông vẫn ngày ngày gọi điện đốc thúc phóng viên gửi bài về để sớm hoàn thiện số báo Xuân và vẫn trau chuốt duyệt từng trang bản thảo, cho ra tác phẩm báo chí hoàn chỉnh nhất. Chỉ đến khi một vài người biết vào thăm ông rồi về loan tin, anh em phóng viên chúng tôi mới biết. Tất cả lúc này mới bàng hoàng về căn bệnh của ông. Sức khỏe của ông suy giảm từng ngày. Cuối cùng mới vỡ òa ra một sự thật: Tổng Biên tập của chúng tôi bị ốm, mà chẳng "ốm xoàng thôi" như ông cho biết. Để rồi, khi hay tin dữ, không ít người hết sức bất ngờ, không kịp chuẩn bị tâm thế trước sự ra đi đột ngột của người thuyền trưởng lèo lái con thuyền báo Kinh doanh và Pháp luật suốt chặng đường 8 năm qua, rồi cứ mãi ân hận vì không kịp đến thăm, gặp mặt ông lần cuối...
Tết ấy là Tết đầu tiên vị Tổng Biên tập Lưu Vinh đáng kính của chúng tôi buộc phải ở lại viện đón xuân, cũng là cái Tết mà ông vô cùng trăn trở với bộn bề lo toan về số phận của hơn một trăm cán bộ phóng viên, biên tập viên tòa soạn này tới đây sẽ ra sao, tờ báo Kinh doanh và Pháp luật sẽ được chuyển đổi thế nào sau quy hoạch báo chí… Dù đang mang bệnh trong người, ông chẳng lo cho bản thân mà mỗi khi có anh em đến thăm, ông chỉ hỏi han về công việc. Quay sang người BTV trình bày báo Nhữ Đức Hiếu, ông hỏi: "Số này đã làm xong chưa, Hiếu?", rồi ông lại quay sang Thư ký tòa soạn (nay là Phó Tổng Biên tập) Nhữ Thúy Hương Quỳnh, ông hỏi: "Tình hình bài vở thế nào, có ổn không, Quỳnh?"… Ông nói trong hơi thở thều thào khiến chúng tôi nghẹn ngào xúc động.
Trong giờ phút lâm chung, sự ham công tiếc việc của một con người đã dành bao tâm huyết, đến trọn đời cống hiến cho sự nghiệp báo chí ấy khiến mỗi người trong chúng tôi đều không thể cầm được nước mắt. Ngày ông ra đi cũng là ngày tờ báo Kinh doanh và Pháp luật do ông sáng lập, điều hành suốt 8 năm ròng và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Trước khi rời xa, chắc ông cũng mãn nguyện với những gì mình đã làm được và thanh thản về với trời xanh, mây trắng, mà mỉm cười dưới suối vàng. Bởi trước khi chia tay chúng ta, ông đã kịp hoàn thành mọi việc chuẩn bị cho sự ra đời một tạp chí mới - tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị - mà hôm nay, chúng ta đang cầm trên tay số báo Xuân Tân Sửu 2021 còn thơm nguyên mùi mực.
Còn nhớ, cố Tổng Biên tập Lưu Vinh từng căn dặn chúng tôi tại Lễ kỷ niệm 5 năm ngày báo Kinh doanh và Pháp luật ra số đầu tiên (26/9/2017) : "Không ai hoàn hảo. Không có nghề nào toàn chuyện tốt, chuyện tích cực, không có mặt trái của nó. Nhưng đối với nghề cầm bút, anh phải bị giám sát nghiêm cẩn hơn, vì nghề này đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm cao hơn, bởi vì anh viết là anh đi giáo dục người khác, đụng chạm đến danh dự, quyền lợi, công ăn, việc làm, gia đình con cái người khác. Không ai trao cho anh cái quyền bất khả xâm phạm, muốn nói gì cũng được đâu…". Và trong giờ phút sắp phải chia tay vĩnh viễn chúng ta, ông vẫn mong mỏi mọi người hãy đoàn kết, chung sức, chung lòng tiếp tục xây dựng toà soạn thành mái nhà chung yên ấm, nơi lưu giữ, nương tựa những tâm hồn đồng điệu.
Lại nhớ ngày tôi xin được đầu quân về đây, ông thoáng chút băn khoăn: "Em đang ở báo Đại Đoàn Kết về đây làm gì? Chỗ anh khó khăn lắm, mọi người đều phải tự mình xoay xỏa mọi thứ từ lương bổng, nhuận bút, văn phòng đến tiền in ấn… tất tần tật chứ không được nhận bất kỳ sự ưu đãi hoặc hỗ trợ nào của ai đâu". Tôi nói: "Có anh làm trụ cột cho tờ báo là có tất cả. Em muốn về đây cũng bởi vì cái bóng của anh quá rộng, quá cao…". Nghe xong, ông cười và ký luôn tiếp nhận cho tôi.
Chuyện về "cái bóng" của ông Lưu Vinh - Đại tá, Nhà báo, nguyên Phó Tổng biên tập báo Công an nhân dân - cho tới lúc này đã lan tỏa trên hàng ngàn trang viết, thước phim trên báo chí. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Tổng Biên tập tạp chí Công an nhân dân, "lính" cũ của Đại tá Lưu Vinh từng chia sẻ: "Anh Lưu Vinh - một nhà báo đam mê, sống chết cùng con chữ. Anh sống hồn nhiên, trong trẻo và hình như ra đi cũng hồn nhiên, không một lời nhắn gửi, không một lời oán trách dù cuộc sống gần 70 tuổi trong cõi đời đầy giông gió này hẳn còn không ít chuyện không vui…". Nhà báo say nghề và cần mẫn hiếm có - đây là cảm nhận không chỉ của riêng Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái mà của tất cả những ai đã từng được làm việc, gắn bó với ông. Các cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong tòa soạn báo Kinh doanh và Pháp luật còn nhớ vị cố Tổng Biên tập đáng kính của chúng ta viết rất khỏe, rất nhanh. Đến chuyện ăn uống hàng ngày với ông cũng rất chóng vánh. Dường như bữa ăn với ông không phải để thưởng thức, trò chuyện mà là ăn nhanh để còn làm việc. Nhiều dịp tụ tập, liên hoan, trong khi lớp người trẻ chúng tôi còn đang khề khà bia rượu thì ông chỉ ăn vội bát cơm canh đạm bạc rồi tạm biệt anh chị em, lững thững đi bộ về tòa soạn, nơi đang có cả chồng bản thảo đang đợi ông đụng bút.
"Cái bóng" của cố Tổng Biên tập Lưu Vinh là quãng thời gian gần 25 năm gắn bó với báo CAND, trong đó có non nửa chặng đường làm công tác quản lý với cương vị Phó Tổng Biên tập. Và cũng trong thời gian này, ông "ẵm" luôn 8 giải báo chí quốc gia mà phần lớn là những bài viết mang đậm dấu ấn về những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước, nhân dân. Ngoài công việc làm báo, ông còn đam mê biên soạn sách và làm thơ. Bởi với ông, nghề báo, văn thơ đã ăn vào máu thịt ông, và hầu như đối với ông không có ngày nghỉ. Nghề viết đã đem lại cho ông một thú vui và ông coi đó là một nhu cầu thường nhật của mình.
Tổng Biên tập Lưu Vinh trao học bổng Nguyễn Văn Trỗi thường niên cho các em học sinh nghèo học giỏi của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi tại xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và Trao những suất quà ấm áp tới những đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt của huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Những đầu sách mà ông chủ biên hay tham gia biên soạn phải kể đến như: "Hồ Chí minh con người đẹp nhất", "Theo dấu chân Bác", "Những kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn", "Phan Trọng Tuệ - Vị tướng - Bộ trưởng đức độ tài năng", "Trung tướng Trần Quyết - người cộng sản trung kiên", "Doanh nhân Việt Nam - Nụ cười & Nước mắt" (17 tập), "Nỗi đau thời hậu chiến", "Huyền thoại cầu Hiền Lương", "Nữ doanh nhân thời hội nhập", "Tình người nơi đất trại", "Những nẻo đường hoàn lương"… Ông còn là tác giả nhiều cuốn sách như: "Những chứng nhân lịch sử", "Năm lần tháp tùng Thủ tướng", "Theo vết đường dây đen", "Tội phạm thời mở cửa", "Buôn vàng", "Gặp gỡ nơi xứ người", "Lệnh truy nã", "Mười ngày trên đất Mỹ". Ngoài việc là chủ biên, biên soạn gần 30 đầu sách, ông còn là tác giả của 5 tập thơ: "Thơ và đời", "Tặng mẹ tặng em", "Dòng sông nơi em", "Gặp lại người xưa", "Theo dòng thời gian"… Trong thời gian 8 năm làm Tổng Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật, ông còn vinh dự đoạt hai giải thưởng lớn: Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí 5 năm (2009 - 2014) do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao tặng và giải thưởng báo chí toàn quốc về thông tin đối ngoại với tác phẩm "Ngày xuân kể về người bán phở Cali thầm lặng" năm 2015. Ông được Đảng và Nhà nước, Bộ Công an trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Vì An ninh Tổ quốc; Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí… và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Chính vì "cái bóng" ấy của ông mà không chỉ riêng người viết bài này, mà hàng chục rồi đến hơn một trăm con người từ khắp mọi miền đất nước đã quy tụ về đây quanh ông, cùng gây dựng nên tờ báo Kinh doanh và Pháp luật. Chúng tôi chia ngọt, sẻ bùi và bao nỗi vất vả, nhọc nhằn với ông, với nhau. Nhiều thế hệ nhà báo, biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên đã trưởng thành dưới bàn tay chèo lái, chỉ bảo, hướng dẫn của Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh.
Thắp nén nhang thơm trong ngày đầu xuân, chúng ta bùi ngùi tưởng nhớ tới người thầy, người anh, người đồng nghiệp - Nhà báo, cố Tổng Biên tập Lưu Vinh từng ươm trồng nên vườn trái ngọt. Chắc ở nơi xa ấy, ông đã nở nụ cười phần nào mãn nguyện khi nhận được những trang tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị hôm nay…
Xuân Tân Sửu, 2021
Bài: Trần Ngọc Kha
Trình bày: Nhữ Đức Hiếu