Xuất hiện thi hộ trực tuyến, các trường đại học ứng phó thế nào?

Giáo dục
11:54 AM 11/01/2022

Quá trình học trực tuyến kéo dài một mặt mang lại sự an toàn trong mùa dịch, mặt khác cũng đem đến nhiều vấn đề tiêu cực, nhất là việc sinh viên gian lận có những mánh khoé để qua môn. Trước tình hình đó, đòi hỏi các trường phải nhanh nhạy và xây dựng các kế hoạch để ứng phó.

Nở rộ hội nhóm... thi hộ trực tuyến 

Theo ghi nhận, các trường hiện nay chủ yếu áp dụng 4 hình thức thi trên môi trường mạng là trắc nghiệm, vấn đáp, tự luận và tiểu luận. Các hình thức này đều có chung kẽ hở là khó quản lý và giám sát người học, dù có yêu cầu phải bật camera trong quá trình làm bài hay làm trên website chuyên cho việc thi trực tuyến. Từ thực tế này, ngày càng xuất hiện nhiều hội nhóm chào mời các dịch vụ “làm giúp”, “thi hộ”, hỗ trợ “làm đẹp” điểm số.

Xuất hiện thi hộ trực tuyến, các trường đại học ứng phó thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều nhóm thi hộ xuất hiện trên mạng xã hội

Khi việc kiểm tra và thi trực tuyến trở nên phổ biến, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện hàng loạt hội nhóm mang tên hỗ trợ học tập như “Hỗ trợ sinh viên học tập - Làm bài”, “Hỗ trợ - Giúp đỡ học tập”, “Hỗ trợ học tập”... thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn thành viên tham gia. 

Nhưng đây không phải là nơi để người học có thể cùng thảo luận về bài giảng hay giúp đỡ nhau học tập, mà là địa điểm trá hình chuyên cung cấp các dịch vụ lấy phí, từ làm bài tập trên lớp đến cả học hộ, thi hộ. 

Để dễ qua mặt giảng viên, các đối tượng thi hộ không thay mặt người học tham dự buổi thi như “truyền thống”, mà chỉ đóng vai trò “hỗ trợ” đằng sau, đợi người học gửi đề qua rồi làm giúp hoặc cùng làm song song với người học thông qua các ứng dụng có chức năng chia sẻ màn hình, hoặc trao đổi qua điện thoại.

Các trường đại học ứng phó thế nào? 

Trao đổi với các cơ quan báo chí, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết, học trực tuyến giảng viên đã rất vất vả thì khi tổ chức thi trực tuyến giáo viên càng vất vả hơn rất nhiều.

Nhìn nhận về việc thi hộ khi tổ chức thi trực truyến, ông Sơn cho hay có xảy ra nhưng các trường sẽ có cách để giám sát. Cụ thể, giám khảo giám sát 24/24, sinh viên có mặt suốt giờ thi thì mới chứng nhận bài làm. Nếu có bất cứ hình thức nào có dấu hiệu bất thường ngay lập tức giám thị sẽ kiểm tra và phát hiện thì sẽ đình chỉ thi ngay. Sau khi thi xong thì giám khảo 1 sẽ thu bài thi và giám khảo 2 sẽ giám sát sinh viên, nếu bất cứ sinh viên nào gian lận thì sẽ bị đình chỉ. Sau khi thi xong giảng viên sẽ chấm và nếu bài nào có dấu hiệu bất thường thì chấm hội đồng để thẩm định lại bài thi ấy.

Xuất hiện thi hộ trực tuyến, các trường đại học ứng phó thế nào? - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Đối với các hình thức làm tiểu luận, luận văn, ông Sơn cho hay trường sẽ ra đề mở để sinh viên có quyền dùng tài liệu, nhưng sẽ có phần mềm để kiểm tra xem sinh viên có lấy bài của người khác không. Điều đó đòi hỏi sinh viên phải có ý tưởng và phải viết ra ý tưởng của chính mình mới được chấm điểm.

“Sinh viên viết như thế nào thì trong quá trình học giảng viên cũng đã biết. Ý tưởng mỗi người là không giống nhau, nếu nhờ người khác viết hộ thì họ người làm hộ cũng chỉ copy trên mạng và giảng viên khi chấm sẽ biết”- ông Sơn cảnh báo.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa vấn đề này nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho giảng viên và đặc biệt là sinh viên, cảnh báo về hậu quả của việc thi hộ, nhờ người thi hộ bằng các hình thức rất nghiêm khắc.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng gian lận trong thi cử trực tuyến là mỗi quan tâm của trường, vì vậy trường đã thay đổi hình thức tổ chức thi. Những môn học mang tính tổng quát sẽ thi theo hình thức tự luận, ra đề mở. Những môn có khả năng gian lận cao thì sẽ thi vấn đáp. 

“Việc này nhằm hạn chế tối thiểu gian lận xảy ra chứ không thể 100%. Vì vậy học trực tuyến thì sẽ đánh giá quá trình học hơn là kỳ thi, cho nên điểm thi chỉ là điểm số ít”- ông Nhân nói.  Ở Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, theo ông Nhân hiện chưa phát hiện gian lận khi thi trực tuyến nhưng sinh viên có mánh khoé khi thấy đề khó thì lấy lý do kỹ thuật và không thi nữa để giám thị sẽ huỷ kết quả sau đó cho thi lại.

Còn TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Nha Trang, cho rằng vấn đề thi hộ, nhờ người thi hộ luôn là vấn đề quan tâm đặc biệt khi thực hiện đánh giá trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Ông Phương cho hay, nhà trường giao quyền chủ động cho giảng viên bố trí thời gian theo thời khóa biểu, thực hiện cho đến khi hết sinh viên trong lớp để hạn chế tối đa hình thức thi hộ, nhờ người thi hộ.

Đối với bài thi tự luận trên giấy, sinh viên phải chụp bài thi và đẩy lên hệ thống e-learning của trường. Với hình thức này chỉ cho đúng sinh viên truy cập thông vào hệ thống, đúng thời gian để biết đề thi thông qua user và mật khẩu riêng của mỗi sinh viên. Trường yêu cầu sinh viên phải có 2 thiết bị camera để giảng viên giám sát được sinh viên làm bài và khu vực sinh viên ngồi làm bài thi, ghi video toàn bộ thời gian thi. Đặc biệt, quy định giảng viên phải “vấn đáp xác thực” khoảng 15% số lượng sinh viên, trong đó đặc biệt quan tâm đến các nhóm sinh viên có yếu tố bất thường mà giảng viên nhận thấy trong quá trình coi thi, giám sát thi và chấm thi.

Đối với các hình thức khác như như cho sinh viên làm bài tiểu luận nộp trên e-learning thì sau đó giảng viên sẽ chấm và thi vấn đáp để xem có đúng thực sự sinh viên làm hay không.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ

Vietnam Airlines mở bán tăng cường vé của 2.000 chuyến bay khai thác từ sau 21h hằng ngày trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè sắp tới, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…