Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tăng trưởng mạnh tại Mỹ và EU

Xuất nhập khẩu
09:14 AM 13/10/2024

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh đã xuất được sang hơn 70 thị trường trên thế giới. Trong đó Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của cá ngừ Việt Nam.

Sau khi sụt giảm xuất khẩu trong năm 2023, xuất khẩu nhóm sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam đã liên tục tăng trưởng trong 8 tháng năm 2024. Đáng chú ý trong tháng 8 vừa qua, giá trị xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam đạt mức cao kể từ đầu năm đến nay, đạt hơn 51 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ.

Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam mã HS0304 luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị xuất khẩu. Các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam mã HS0304 thường là các sản phẩm như loin cá ngừ đông lạnh; thịt cá ngừ cắt miếng (steak) hoặc cắt saku…

Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tăng trưởng mạnh tại Mỹ và EU- Ảnh 1.

Xuất khẩu cá ngừ đông lạnh của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: Int

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Mỹ, EU, Nga, Canada và Israel lần lượt là 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đông lạnh của Việt Nam.

Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh có xu hướng tăng trưởng liên tục từ đầu năm và đạt mức cao nhất trong tháng 8 là hơn 23 triệu USD. Tính luỹ kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt 137 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. 

Xuất khẩu sang thị trường EU trong 8 tháng năm 2024 đạt 55 triệu USD, tăng 9% so với vùng kỳ năm 2023. Hà Lan, Lithuania và Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất nhóm sản phẩm này của Việt Nam trong khối EU. Đáng chú ý nhất trong số các thị trường này là Hà Lan, quốc gia Tây Âu này có xu hướng tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam trong nhiều tháng, với tốc độ tăng trưởng ở mức 3 con số.

Theo các doanh nghiệp, các ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định EVFTA là lợi thế thúc đẩy xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam sang EU. Nhưng bên cạnh đó, căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng cao đang ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu nhóm sản phẩm này.

Về tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản 9 tháng năm 2024 đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng xuất khẩu thủy sản trong quý 3 năm nay đạt 2,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có những bứt phá đáng kể gồm cá tra tăng 13,5%, xuất khẩu tôm tăng 17,5%, cua ghẹ tăng 56%, nhuyễn thể có vỏ tăng 95%.

Báo cáo của đơn vị này cũng cho thấy, tính tới cuối tháng 9, xuất khẩu cá ngừ tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 715 triệu USD. Trong đó cá ngừ loin/phile đông lạnh chiếm 48% với 346 triệu USD, tăng 9,6%, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp chiếm 30% đạt 214 triệu USD, tăng 16,6%. Phần lớn tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ đều là kết quả của nửa đầu năm.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn