Xuất khẩu cà phê có thể chinh phục mốc 5 tỷ USD ngay năm nay
Việt Nam đang chứng kiến cục diện lớn hơn của ngành cà phê Việt Nam. Cách đây 10 năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê chỉ đạt 2 tỷ USD, năm vừa rồi đạt kỷ lục hơn 4 tỷ USD và năm nay có thể chinh phục mốc 5 tỷ USD.
Sau khi đạt kỷ lục hơn 4 tỷ USD vào năm ngoái, xuất khẩu cà phê duy trì đà tăng trong hai tháng đầu năm. Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 398.819 tấn cà phê, trị giá hơn 1,2 tỷ USD, tăng 16,4% về khối lượng nhưng tăng tới 68% về giá trị nhờ giá duy trì ở mức cao. Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình trong 2 tháng qua đạt 3.146 USD/tấn, tăng 44% so cùng thời điểm năm ngoái.
Về mặt chủng loại cà phê xuất khẩu, Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trong việc xuất khẩu cả hai loại cà phê chính là Robusta và Arabica. Sự tăng trưởng này không chỉ thể hiện qua lượng mà còn qua giá trị, đặc biệt là với cà phê nhân Robusta chiếm gần 1,84 tỷ USD, Arabica hơn 56,62 triệu USD, và cà phê đã khử caffeine gần 3,2 triệu USD. Đáng chú ý, cà phê chế biến, bao gồm rang xay và hòa tan, đã đóng góp hơn 401 triệu USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các thị trường xuất khẩu chính cho cà phê Robusta Việt Nam bao gồm những quốc gia như Italia, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc và Philippines, minh chứng cho sự đa dạng và rộng khắp của thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê Việt Nam trên toàn cầu.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam bắt đầu đà tăng mạnh kể từ tháng 10 năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung trong nước khan hiếm do ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi.
Điều này đồng thời khiến giá trong nước và giá xuất khẩu đều tăng mạnh. Tính đến ngày 11/3, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên trung bình quanh mốc 91.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với thời điểm cách đây một năm.
Trước đà tăng trưởng trên, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), dự báo chúng ta đang chứng kiến cục diện lớn hơn của ngành cà phê Việt Nam. Cách đây 10 năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê chỉ đạt 2 tỷ USD, năm vừa rồi đạt kỷ lục hơn 4 tỷ USD và năm nay có thể chinh phục mốc 5 tỷ USD.
Theo nhận định chung, giá cà phê sẽ tiếp tục neo cao trong thời gian dài bởi nguồn cung thế giới hạn chế do sản lượng cà phê tại các nước xuất khẩu cà phê truyền thống như Brazil, Honduras, Indonesia... dự báo sụt giảm.
Theo các chuyên gia, để xuất khẩu bền vững, ngành cà phê cần tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh chế biến sâu, tạo thương hiệu lớn mạnh cho cà phê Việt trên thị trường thế giới. Bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, tình trạng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến từng cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.
Theo đó, để nâng cao chất lượng và giá cà phê xuất khẩu, nâng tầm sản phẩm cà phê Việt trên thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng Tây Nguyên đang thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn thế giới. Nhiệm vụ chính của đề án là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn của quốc tế và đặc biệt hướng đến cà phê giảm phát thải.
An Mai (t/h)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.