Xuất khẩu cà phê lần đầu vượt 3 tỷ USD chỉ sau nửa năm
Chỉ trong gần 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê Việt Nam đã đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến nửa tháng 6, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt hơn 862.400 tấn, trị giá 3,04 tỷ USD, giảm hơn 8% về lượng nhưng tăng 38% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức cao kỷ lục so với cùng kỳ các năm từ trước tới nay. Con số này cũng tương đương với kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả năm 2021.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết thị trường truyền thống. Việt Nam giảm xuất khẩu cà phê sang các thị trường Đức, Italy, Mỹ, Nga, nhưng tăng xuất khẩu sang các thị trường Tây Ban Nha, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Hà Lan, Trung Quốc.
Về giá, trong tháng 5, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 4.275 USD/tấn, tăng 14% so với tháng 4 và tăng 66% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 3.475 USD/tấn, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân vẫn trong đà tăng. Ngày 20/6, cà phê nhân được giao dịch quanh ngưỡng 120.000-121.200 đồng/kg.
Hiện ở các vùng trồng cà phê lớn của nước ta, hạn hán và sâu bệnh ảnh hưởng nặng tới năng suất của loại cây trồng này. Sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 ước giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm, đặt áp lực lên nguồn cung cà phê Robusta trên thị trường thế giới.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có sản lượng cà phê Robusta đứng đầu thế giới nên nguồn cung giảm mạnh góp phần đẩy giá loại hạt này tăng cao thời gian qua.
Những ngày đầu tháng 6, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng so với cuối tháng 5. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện lượng cà phê tồn kho tại thị trường nội địa còn lại rất ít. Dự báo sản lượng cà phê niên vụ sắp tới tiếp tục giảm khoảng 20% do vừa qua nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn gay gắt tại vùng Tây Nguyên.
Kết thúc 8 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (bắt đầu từ tháng 10/2023 đến tháng 5/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn cà phê, tương đương 80% sản lượng của niên vụ hiện tại và giảm 7% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện nay giá cà phê đang tăng mạnh, nên sản lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới có thể giảm nhưng giá trị kim ngạch vẫn bứt phá. Vicofa dự báo xuất khẩu cà phê trong năm 2024 có thể thu về khoảng 4,5-5 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 6 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, việc đạt được kỷ lục mới với ngành cà phê là điều chắc chắn có thể xảy ra nhưng các doanh nghiệp cũng vẫn cần lưu ý, ngoài việc tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh chế biến sâu, tăng cường xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp còn phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng thương hiệu lớn mạnh cho cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trong đó, cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến, phát triển thị trường mới có thể cải thiện được giá trị cũng như bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam. Đặc biệt, cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn… để xuất khẩu cà phê có giá trị gia tăng.
An Mai (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.