Xuất khẩu cá tra có thể phục hồi vào đầu năm 2024

Xuất nhập khẩu
10:09 AM 29/01/2024

Đầu năm 2024 đang có những tính hiệu tích cực cho thấy thị trường cá tra có khả năng phục hồi, tuy nhiên các doanh nghiệp cá tra vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo nhiều nông dân nuôi cá tra tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp), hiện cá tra nguyên liệu có giá dao động từ 26.000 - 26.500 đồng/kg (kích cỡ từ 800g - 1,1kg), tăng 200 - 300 đồng/kg so với tuần trước. Giá cá tra tăng do thị trường có tín hiệu khởi sắc và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang trong quá trình khẩn trương hoàn tất các đơn hàng ký kết trước đó...

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu cá tra Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm khoảng 25% so với năm trước. Hiện tại, dù giảm thị phần tại một số thị trường nhưng xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh…

Xuất khẩu cá tra có thể phục hồi vào đầu năm 2024- Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Trong báo cáo chuyên đề hàng hoá, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết giá cá tra dao động nhẹ ở các thị trường EU, Trung Quốc và tiếp tục xu hướng giảm tại thị trường Mỹ trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, tồn kho cá tại Mỹ vẫn còn nhiều, giá nhập khẩu vẫn phải cạnh tranh với hàng tồn kho khiến giá cá bán tra giảm. Tình hình chính trị bất ổn và lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia sụt giảm.

Mặt khác, Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam, đang có xu hướng nhập khẩu các loại cá khác, như cá hố, cá chỉ vàng, cá thu, cá đổng, cá nục, cá mắt kiếng. Bên cạnh đó, sản lượng cá tra tại Trung Quốc cũng đang tăng đáng kể, đang ở mức 400.000 tấn mỗi năm.

Bộ phận phân tích cho rằng có nhiều yếu tố để xuất khẩu cá tra phục hồi trong thời gian tới, nhưng đà tăng sẽ không quá mạnh.

Theo đó, tồn kho cá tra đang ít dần, chi phí nguyên liệu tăng cao do cá giống hiếm. Giá cá nguyên liệu ở mức thấp cùng nhu cầu bắt giống chậm khiến nhiều hộ nuôi giảm thả cá nuôi mới. Do đó, hiện tại nguồn cá giống khan hiếm, giá cá tăng trở lại.

Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, châu Âu thông qua quy định mới khiến cá minh thái và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7% chứ không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế 0% nữa. Đây là động thái khiến các nhà nhập khẩu bắt đầu quan tâm hơn đến cá tra.

Đồng thời, thị trường Mỹ cũng đang xem xét đạo luật cấm hoàn toàn cá thịt trắng và thủy sản có nguồn gốc từ Nga nhập khẩu vào Mỹ. Đây cũng là cơ hội cho xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2024.

Bên cạnh đó, với kết quả đánh giá tốt về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm cho cá tra Việt Nam của Cơ quan kiểm dịch và an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ trong đợt thanh tra vừa qua cùng với mức thuế thấp trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 19 thấp (dù mới sơ bộ) cũng đặt nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cá tra thâm nhập thị trường Mỹ vào năm 2024.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết hai tháng cuối năm 2023, xuất khẩu cá tra tăng trưởng trở lại, đây là tín hiệu phục hồi khả quan cho mặt hàng trong năm 2024. 

Năm 2024, ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, toàn ngành cần tập trung hơn nữa cho việc xây dựng thương hiệu mạnh, chiến dịch tiếp thị nhằm tăng cường sự hiện diện, uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cá tra thông qua triển lãm, hội chợ quốc tế, xây dựng mạng lưới đối tác và khách hàng trong, ngoài nước.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn