Xuất khẩu cá tra giảm tới 39%

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:16 AM 09/06/2020

Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng cá tra trong 5 tháng đạt 456 triệu USD, giảm tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (An Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đến các thị trường chủ lực đều giảm mạnh, trong đó đặc biệt là mặt hàng cá tra có kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đạt 456 triệu USD, giảm tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái.  

    Dự báo ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý III/2020.

    So với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ… đều có sự giảm mạnh với mức hai con số. Sự sụt giảm quá nhanh khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phụ thuộc vào các thị trường này gặp rất nhiều khó khăn, đã tác động ngay tới sản xuất cá tra nguyên liệu. Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua chững ở mức thấp. 

    Sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, giá và lượng bắt cá của các công ty vẫn ổn định như trước nghỉ lễ, đạt quanh mức 18.000-18.200 đồng/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con). Nhu cầu bắt cá nguyên liệu trên thị trường duy trì ở mức thấp. Các công ty lớn hầu như không bắt cá ngoài mà chủ yếu đang bắt trong hệ thống liên kết, các công ty nhỏ, đơn vị gia công bắt cá ngoài rất ít. Cho tới nay, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại thị trường Trung Quốc, thị trường lớn nhất chiếm 22,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra đang phục hồi trở lại.

    Dự báo, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 chỉ mang tính nhất thời và các hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến sẽ phục hồi sau khi dịch được kiểm soát. Trung Quốc hiện đã kiểm soát được dịch cúm và hoạt động giao thương đang bắt đầu hồi phục. Hơn nữa, hàng tồn kho ở một số quốc gia nhập khẩu chính hiện ở mức thấp.

    Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, với tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại các thị trường xuất khẩu lớn như: Hoa Kỳ, EU, Brazil… nên xuất khẩu cá tra trong Quý II khó có thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm. Nếu Quý III, tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì xuất khẩu cá tra mới có cơ hội phục hồi trở lại.

    Để sớm lấy lại tăng trưởng của ngành hàng này, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành sẽ tăng cường kiểm soát điều kiện nuôi trồng thủy sản và chất lượng vật tư đầu vào; kiểm tra điều kiện nuôi trồng thủy sản và cấp mới/cấp lại mã số nhận diện ao nuôi theo quy định tại Luật Thủy sản. Người nuôi, doanh nghiệp chế biến cần tham gia chuỗi liên kết, để sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

    Với vấn đề con giống cá tra, ông Trần Đình Luân cho biết, để nâng cao chất lượng con giống, ngành sẽ chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra điều kiện và cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất ương dưỡng giống cá tra; đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, chọn tạo giống cá tra có khả năng sinh trưởng, phát triển trong điều kiện nước mặn; tiếp tục phát tán đàn cá tra bố mẹ được nâng cao chất lượng di truyền cho các trại giống.

    Để sản xuất kịp thời với tín hiệu thị trường, ngành thủy sản sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ. Các doanh nghiệp tìm kiếm thị trưởng mới, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính.

    Ngành xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biển –cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Hệ thống truy xuất điện tử này của doanh nghiệp chế biến có thể kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản.

    Đặc biệt, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định ban hành “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Mỹ”.

    Theo đó, kể từ ngày 5/7/2020, các cơ sở (tổ chức và cá nhân) nuôi, vận chuyển, giết mổ/chế biến, bảo quản, xuất khẩu cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ; các cơ quan thẩm quyền liên quan đến việc kiểm soát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; thẩm định và chứng nhận cho lô hàng cá da trơn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và phòng thử nghiệm thực hiện phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chính thức thực hiện theo các nội dung đã được quy định theo quyết định trên. 

    Thực hiện tốt những điều này sẽ giúp cá tra Việt Nam không chỉ rộng đường vào thị trường Hoa Kỳ  và còn các thị trường khác, khi Bộ Nông nghiệp nước này đã công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm sản phẩm cá và cá da trơn bộ Siluriformes của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ.

    Ý kiến của bạn
    Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

    Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.