Xuất khẩu cá tra Việt Nam kỳ vọng phục hồi nhờ thị trường Mỹ và Trung Quốc
Mặc dù quý IV/2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã "rớt đáy" với 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ, nhưng so với các ngành hàng khác cá tra vẫn có triển vọng khả quan hơn trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Theo số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), tính đến hết tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt gần 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mực, bạch tuộc và các loài cá biển khác nhích nhẹ nhưng cá tra, tôm, cá ngừ đều giảm sâu ở mức hai con số, riêng cá tra giảm 50%. Tín hiệu đi xuống của tiêu thụ cá tra đã rõ nét từ quý cuối năm 2022, với kim ngạch 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy vậy, theo phân tích của Vasep, so với các ngành hàng khác, cá tra vẫn có triển vọng khả quan trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ. Năm ngoái, đây là hai bạn hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng lần lượt 30% và 23% của xuất khẩu cá tra.
Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá tra. Với 712 triệu USD trong năm 2022, cá tra chiếm 40% xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc - là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Người Trung Quốc đang có xu hướng ưa chuộng cá tra hơn cá rô phi. Xuất nhập khẩu thủy sản giờ đây dễ dàng hơn. Chi phí vận chuyển hàng hóa cũng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại.
Việc Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế đối với COVID-19 chưa thể mang lại sự hồi phục mạnh mẽ cho đơn hàng thủy sản ngay trong tháng đầu năm, vì dịch bệnh vẫn còn là quan ngại của nhiều người dân và các nhà hàng chưa thể mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, sau một vài tháng thị trường này sẽ hồi phục trở lại.
Tương tự, Mỹ là khách hàng lớn thứ hai của con cá tra Việt Nam, với kim ngạch năm 2022 đạt 537,2 triệu USD, tăng 45% so với năm 2021, duy trì tăng trưởng dương từ 23% - 123% trong 3 quý đầu năm. Diễn biến cung - cầu cá thịt trắng tại thị trường này đang có lợi cho cá tra. Các chuyên gia và thương gia tại thị trường Mỹ đều nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường Mỹ trong năm 2023. Hai loài này đều có giá phù hợp và nguồn cung ổn định.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, kinh tế Mỹ có tín hiệu hồi phục nhẹ, bên cạnh đó, việc nhiều gia đình tại Mỹ thay đổi thói quen tiêu dùng kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, trong đó có việc tiêu dùng hải sản tại nhà thay vì ra các cửa hàng và thường mua những mặt hàng hải sản có giá thấp hơn, sẽ là cơ hội tốt để sản phẩm cá tra của Việt Nam tiến gần bàn ăn của các gia đình Mỹ và giành được thị phần tại thị trường khó tính này trong năm 2023.
Năm nay, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là 6% so với 2022, tương đương 393-394 tỷ USD. Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá đây là mức tăng "nhiều thách thức khi cầu thế giới giảm, thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn".
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU... lạm phát tăng cao, sức mua người tiêu dùng giảm và cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên vật liệu tăng khiến giá hàng hoá ở mức cao.
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế với nền kinh tế độ mở lớn, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, có hiệu lực... Nếu tận dụng tốt những cơ hội này, Thứ trưởng Hải nhìn nhận sẽ là điểm mạnh cho xuất khẩu trong năm được dự báo nhiều khó khăn này.
Ngô Huy (T/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.