Xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
08:44 AM 17/02/2025

Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, trái dừa Việt Nam cán mốc tỷ USD, khẳng định vị thế của ngành dừa trên bản đồ xuất khẩu nông sản.

Bước sang năm 2025, ngành rau quả Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về thị trường, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Những mặt hàng chủ lực đóng góp vào sự bứt phá này bao gồm sầu riêng, xoài và đặc biệt là dừa.

Xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu từ cơ quan Hải quan, tính đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam đạt 390 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ, chiếm 5,47% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023.

Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, trái dừa Việt Nam cán mốc tỷ USD, khẳng định vị thế của ngành dừa trên bản đồ xuất khẩu nông sản. Hiện tại, trái dừa là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba, chỉ xếp sau sầu riêng và thanh long.

Từ mức kim ngạch khiêm tốn 180 triệu USD vào năm 2010, ngành dừa đã có bước phát triển vượt bậc, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và chính thức vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024. 

Việt Nam hiện có hơn 600 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dừa, tạo lợi thế lớn cho ngành xuất khẩu. Nhờ đó, Việt Nam hiện xếp thứ tư về xuất khẩu sản phẩm dừa trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 5 trên thế giới. Dừa Việt Nam còn được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Canada và Hàn Quốc.

Những tín hiệu tích cực này không chỉ mở rộng thị trường mà còn tạo hiệu ứng hình ảnh mạnh mẽ cho trái dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, giá dừa từng xuống thấp kỷ lục chỉ 1.000 đồng/quả, khiến nông dân e ngại mở rộng diện tích, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chế biến hoạt động cầm chừng.

Để phát triển bền vững ngành dừa, các chuyên gia đề xuất tăng mã vùng trồng, có chính sách thuế hợp lý và xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn